Trong bài viết này, tôi sẽ lược dịch bài viết đăng trên tờ The Independent ngày 5/5/2022 về tính ứng dụng của việc thuê trang phục cho các sự kiện (tiệc cuối năm, tiệc cưới, sinh nhật…) tại thị trường Anh quốc. Sau đó như thường lệ là phần đánh giá thị trường Việt Nam qua một khảo sát nhanh về thói quen thuê trang phục với 50 khách hàng của Rentzy*, một nền tảng cho thuê trang phục có trụ sở tại TPHCM đã hoạt động được gần 4 năm.
Từ việc giá cả thời trang nhanh ngày càng trở nên “mềm” hơn, đến việc hình thành nền văn hoá #ootd (outfit of the day = trang phục đẹp trong ngày), cùng với kỳ vọng phải mặc trang phục khác nhau cho mỗi sự kiện (tiệc cuối năm, tiệc cưới, sinh nhật…) đã khiến chúng ta có thói quen mua sắm vô độ và từ đó trở thành gánh nặng quần áo thải cho hành tinh chúng ta đang sống.
Người Anh đã chi khoảng 140 triệu bảng Anh cho việc sắm sửa quần áo mỗi năm và vì thế nhu cầu về chất liệu may mặc sẽ tăng gấp 3 vào năm 2050, theo số liệu từ chương trình quần áo thải và nguyên vật liệu (WRAP). Điều này khiến cho ngành dệt may trở thành ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn thứ 2 trên thế giới, với 92 triệu tấn chất thải thải ra môi trường mỗi năm.
Để giải quyết vấn đề này, một giải pháp tối ưu để có một tủ quần áo thân thiện với môi trường là đi thuê trang phục, thay vì mua mới vào mỗi dịp sự kiện. Đây là biện pháp thay thế lý tưởng cho vòng quay “mua sắm - thải” của thời trang nhanh.
Công nương xứ Wales của Vương quốc Anh, Kate Middleton, đã chọn thuê váy dạ hội hiệu Solace London từ nền tảng cho thuê Hurr có trụ sở tại Anh, để dự buổi trao giải Earthshot được diễn ra rất long trọng tại Mỹ tối 3/12/2022. Giải thưởng này được Hoàng tử William khởi xướng từ năm 2020, nhằm tìm ra giải pháp toàn cầu cho những vấn đề về môi trường và thay đổi khí hậu (theo báo Instyle 3/12/ 2022).
Mô hình của dịch vụ cho thuê trang phục này rất đơn giản. Khách hàng có thể thuê theo gói hoặc trả tiền thuê theo từng sản phẩm, với giá mềm hơn so với việc mua trang phục mới rất nhiều. Một hình thức khác tương tự là dịch vụ trao đổi trang phục giữa các khách hàng với nhau, như mô hình “Airbnb của thời trang”. Mô hình này tạo ra một nền tảng để người tiêu dùng có thể “trưng bày” và cho thuê những sản phẩm từ chính tủ quần áo của mình. Hiện nay mô hình này đang rất phổ biến, điển hình là nền tảng Hurr Collective, tăng trưởng 850% mỗi năm từ thời điểm đầu đại dịch.
Ngoài hiệu quả giảm quần áo thải ra môi trường, mô hình cho thuê trang phục cũng tạo điều kiện cho một nhóm người tiêu dùng tiếp cận với thời trang xa xỉ khi họ không đủ khả năng. Hoặc tiết kiệm chi phí khi bạn biết rằng bạn sẽ chỉ mặc một lần trong đời cho những sự kiện như dự tiệc cưới, lễ tốt nghiệp hay tiệc sinh nhật. Hoặc đơn giản chỉ là tạo ra sự mới lạ cho phong cách của bạn.
Đương nhiên mô hình cho thuê này chỉ là những giải pháp thiết thực, đóng góp nhỏ trong nền kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết vấn nạn môi trường trên toàn cầu. Vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết như không có đủ các kích cỡ cho mọi nhu cầu, trước khi nó có thể trở thành một mô hình thật sự bền vững.
Khảo sát nhanh với khách hàng của Rentzy
Theo một khảo sát nhanh từ tác giả, dịch vụ cho thuê trang phục thời trang qua nền tảng tại Việt Nam vẫn không nhiều. Tôi có bài phỏng vấn với Rentzy từ tháng 8-2021 và đến nay sau hơn một năm, nền tảng này vẫn chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Thị trường vẫn chủ yếu là những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ trên Facebook. Trừ việc khách hàng chưa thể thanh toán trực tiếp trên website, Rentzy khá thân thiện với người sử dụng. Sau gần 4 năm hoạt động, nền tảng này có khoảng 10,000 khách hàng, với 70% khách hàng thường xuyên vì họ đã quen với việc đi thuê trang phục thay vì mua sắm mới. Lợi thế giao dịch qua website cũng đã thu hút khá nhiều khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh thành.
Giống như thị trường Anh kể trên, khách hàng Rentzy cũng chủ yếu thuê trang phục cho các sự kiện, chiếm khoảng 70%. Còn lại là cho các chuyến du lịch khoảng 10% và những loại trang phục khác. Website này cũng là nơi trưng bày và cho thuê sản phẩm đồ án tốt nghiệp của khoảng 100 sinh viên khoa thiết kế của các trường đại học, giúp các nhà thiết kế tiềm năng này có lối ra và đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng cần thuê những trang phục độc, ấn tượng.
So với thực tế cách đây 1.5 năm khi khoảng 80% khách hàng của nền tảng này vẫn thấy ngại khi người khác biết mình đi thuê trang phục (bài viết trên Brands Vietnam tháng 8/2021), hiện nay tâm lý ngại đã giảm nhiều; chỉ có 16% trên 50 khách hàng sử dụng dịch vụ này (trung bình thuê 1 tháng/lần), được hỏi vẫn có cảm giác ngại này. Lý do của sự thay đổi này đến từ 2 phía:
- Từ ý thức tiết kiệm của bản thân: 86% người được hỏi cho rằng do chỉ mặc một lần cho buổi tiệc nên việc đi thuê là giải pháp phù hợp vì vừa tiết kiệm chi phí, vừa được thay đổi trang phục cho lạ mắt.
- Từ ảnh hưởng của truyền thông: tất cả ứng viên cho rằng việc đi thuê trang phục là một lối sống mới hướng đến bền vững; với 90% cho biết việc truyền thông đưa tin những người nổi tiếng trên thế giới và tại Việt Nam cũng đi thuê trang phục đã thay đổi suy nghĩ của họ theo chiều hướng tích cực.
Tuy kết quả trên chỉ là khảo sát nhanh với quy mô nhỏ, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường Việt Nam. Tôi nghĩ người tiêu dùng đang có cái nhìn thoáng hơn về việc đi thuê trang phục, nên tiềm năng cho mô hình cho thuê là rất lớn. Một vài lưu ý nếu bạn có ý định kinh doanh mô hình này:
- Nên đầu tư bài bản vào công nghệ, để nền tảng có thể vươn đến các tỉnh thành trong cả nước, và có thể cả khu vực trong tương lai.
- Nền tảng cũng có thể trở thành marketplace để người tiêu dùng có thể cho thuê chính tủ quần áo của mình như nền tảng Hurr Collective đang tăng trưởng rất tốt tại thị trường Anh.
- Cho thuê hàng hiệu vẫn chưa được khai thác bài bản nên đây cũng có thể là mảng kinh doanh rất tiềm năng trong tương lai.
(*): Khảo sát 50 khách hàng Rentzy qua Google Form từ 6-8/12/2022.
Câu hỏi dành cho blog
Nếu bạn có câu hỏi hoặc có những vấn đề cần trao đổi, hãy email: [email protected]. Tôi cố gắng sẽ trả lời sớm nhất có thể.
Member discussion