Cơ hội cho các bạn trẻ kinh doanh thời trang lưu trữ
Người tiêu dùng trẻ tuổi đang ngày càng ưa chuộng thời trang lưu trữ và vintage. Điều này đã tạo ra cơ hội cho việc sưu tập và kinh doanh sản phẩm thời trang độc lạ online.
Trong bài viết này tôi lược dịch bài trên Vogue Business, đăng ngày 29/3/2023 về cơ hội kinh doanh thời trang lưu trữ và vintage trên các nền tảng online của những bạn trẻ đam mê thời trang lưu trữ và vintage ở thị trường Anh. Đây cũng là cơ hội cho thị trường Việt Nam do ngày càng nhiều start-up trên các nền tảng online tìm hiếm cơ hội trong một thị trường có 30% dân số là Gen Z. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar (2019), Gen Z lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, chú ý về ngoại hình từ sớm và muốn tạo dấu ấn riêng trong phong cách thời trang, đồng thời có ý thức đóng góp cho thời trang bền vững.
Gabriel Rylka, nhà sáng lập trang Break Archive, tập tành kinh doanh khi anh 13 tuổi bằng cách mua những đôi giày sneakers Converse cũ trên mạng, làm sạch chúng và bán lại với giá nhỉnh hơn một chút trên trang eBay. Năm 2021 khi tròn 18 tuổi, anh đã mở rộng phạm vi kinh doanh của mình bao gồm việc sưu tập và bán lại các sản phẩm thời trang và phụ kiện vintage từ các cá nhân và các cửa hàng bán ký gửi trên thế giới. Với phương thức “drop” (bán ra một số mặt hàng trong một thời gian nhất định), và tự sản xuất những clip hóm hỉnh mang đậm tính thời trang để quảng bá túi xách của những thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton và Dior trên TikTok và Instagram, nền tảng này đã thu được kết quả rất khả quan. Lần drop gần đây nhất vào ngày 12 tháng 3 với túi Fendi Baguettes và Chanel Double Flaps đã thu về £44,000 doanh thu trong ngày, với kỷ lục bán 30% số sản phẩm trong cửa hiệu trong vòng 30 phút và thêm 30% nữa vào sáng hôm sau.
Trong vòng một năm Break Archive đã đạt £800,000 doanh thu, tiến gần đến mục tiêu đạt £1.5 triệu trong năm nay. Nền tảng cũng hợp tác với các nền tảng bán hàng đã qua sử dụng và cho thuê khác như Threads Styling và Hurr tại Anh.
Rylka là một ví dụ kinh doanh điển hình của thế hệ Millennials và Gen Z khi khởi nghiệp bằng cách mua bán trên eBay hoặc Depop, trước khi ra mắt nền tảng riêng của mình và nhắm đến khách hàng Gen Z với chiến lược Marketing trẻ trung trên TikTok. Khác với các nền tảng đã phát triển như The Real Real hay Vestiaire Collective nhận bán gần như tất cả các thương hiệu, những người kinh doanh nhỏ lẻ như Rylka chỉ tập trung vào các sản phẩm vintage của một vài thương hiệu nào đó mà họ quan tâm hoặc theo xu hướng hiện tại. Khi thời trang lưu trữ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ nhóm khách hàng trẻ tuổi, những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ này có tham vọng lớn dù phải đương đầu với áp lực cạnh tranh về nguồn cung và đối phó với hàng giả trong quá trình kinh doanh.
Arbitrage do Campbell sáng lập khi còn là sinh viên đại học năm 2015. Anh bắt đầu tìm kiếm trên eBay những sản phẩm lưu trữ độc lạ từ các nhà thiết kế có những BST dị bản như Helmut Lang và Maision Margiela và bán lại trên Instagram. Hiện tại nền tảng này đã gặt hái quả ngọt, với doanh thu đạt năm con số vào năm ngoái, tăng 31% so với 2021.
Đây là hai ví dụ điển hình cho việc kinh doanh thời trang lưu trữ và vintage nhỏ lẻ trên mạng. Loại hình này đã gia tăng trong một thập niên trở lại đây do ngày càng nhiều người tiêu dùng trẻ tìm kiếm thông tin và lịch sử về trang phục họ mua và mạng xã hội như TikTok và Instagram đã giúp những thông tin trên được chia sẻ ngày càng rộng rãi hơn. Sau đây là một số bài học từ các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ thành công:
Tận dụng cộng đồng TikTok
Rylka và hai nhân viên của anh là nhân vật chính trong video TikTok của Break Archive, quảng bá những chiếc túi cho đợt drop kế tiếp. TikTok là một nền tảng hữu dụng để kết nối với khách hàng và những người mua tiềm năng. Việc các khách hàng thường xuyên nhận xét trên những video này đã tạo nên một cộng đồng cho nền tảng.
Người có tầm ảnh hưởng cũng là nhân tố quan trọng để tăng doanh số. Khi siêu mẫu Bella Hadid đeo một chiếc túi của một thương hiệu nào đó, nó ngay lập tức trở thành cơn sốt và được người tiêu dùng truy lùng. Và khi các ngôi sao ngày càng chuộng các sản phẩm thời trang lưu trữ cho những dịp thảm đỏ, những cửa hàng kinh doanh loại mặt hàng này được chú ý nhiều hơn. Cửa hàng vintage Studded Petals trên nền tảng Depop đã lên phục trang cho ngôi sao có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội Addison Rae trong bộ vintage của NTK Mugler tại buổi Gala Hollywood Reporter’ tôn vinh phụ nữ trong ngành giải trí tháng 12 năm ngoái.
Giữ giá cả sản phẩm thời trang vintage ở mức vừa phải
Không như những nền tảng lớn thường đặt giá cao để có nhiều lợi nhuận, những nhà kinh doanh trẻ này thường không có một chính sách giá cố định và muốn giữ giá các sản phẩm xa xỉ ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Sản phẩm cao giá nhất được bán từ Break Archive năm nay là chiếc túi Hermès Kelly phiên bản 1998 với giá £8,950, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Các sản phẩm khác chỉ dao động ở mức £200. Họ muốn thay đổi quan niệm rằng đồ vintage rất đắt đỏ và bán ở mức giá chỉ bằng nửa giá so với túi mới. Giá cả vừa phải cũng giúp người mua món đồ vintage muốn mặc sản phẩm thay vì chỉ dám cất giữ trong tủ.
Tuy nhiên với mức độ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, bài toán nan giải luôn là nền tảng nào có nhiều người theo dõi nhất? ai bán được nhiều nhất? ai đấu giá thành công nhất? Do vậy một số cửa hàng đã giảm lại qui mô và chỉ tập trung vào một số sản phẩm phục vụ cho các khách hàng thường xuyên với các sản phẩm biết rõ nguồn gốc.
Chủ nền tảng Studded Petals cho biết tìm kiếm nguồn cung là việc khó khăn nhất do có nhiều mô hình kinh doanh tương tự đang hoạt động trong khi nguồn cung ngày càng ít đi.
Một số khác cho rằng các hãng thời trang đang chạy theo thị hiếu thị trường chứ không làm ra những chiếc túi có thể sử dụng trong thời gian dài mà không lỗi mốt như trước đây. Điều này có nghĩa là trong hai mươi năm tới, người tiêu dùng sẽ không còn mặn mà với các sản phẩm vintage hoặc thời trang lưu trữ như hiện tại. Giải pháp nguồn cung trong vòng 10-15 năm tới sẽ là hàng ký gửi từ người tiêu dùng hiện tại, những người đã và đang chi nhiều cho hàng hiệu và sẽ có nhu cầu bán lại sau một thời gian sử dụng.
Bước tiếp theo của các nền tảng online là mở cửa hiệu trong tương lai. Trong khi chờ đúng thời điểm mở cửa hiệu, họ kiêm luôn việc cung cấp trang phục cho những stylist và các tạp chí khi họ cần chụp hình quảng cáo. Một nền tảng khác ở Anh muốn mở rộng thị trường sang Mỹ bằng cách mở một pop-up store ở New York trong mùa hè này và tiếp tục hợp tác với nền tảng cho thuê Hurr để mở rộng sang dịch vụ cho thuê. Họ cũng muốn dấn vào sàn diễn thời trang vì thấy nhiều cơ hội trong việc mang túi xách vintage vào các show diễn thời trang của các nhà thiết kế.
Với những sản phẩm được sưu tập kỹ lưỡng và chiến lược trẻ trung trên mạng xã hội, những nhà kinh doanh nhỏ lẻ thời trang lưu trữ và vintage đang có bước đi thành công nhắm vào Gen Z. Lợi thế kinh doanh của họ là đưa ra mức giá phải chăng với những sản phẩm thời trang lưu trữ ấn tượng và hợp tác với những người tạo ảnh hưởng và những mảng dịch vụ khác để tăng độ phủ của họ đến nhiều đối tượng hơn.
Cơ hội cho thị trường Việt Nam
Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh thời trang lưu trữ đã được nhen nhóm trong vòng 5 năm trở lại đây, với những người chủ trẻ tuổi, đam mê với thú sưu tập và lịch sử của từng món đồ thời trang lưu trữ như Shinesium hay Hidden Archive mà tôi từng giới thiệu trong những bài trước. Tuy Gen Z tại Việt Nam chưa phải là nhóm khách hàng chính do khả năng tài chính, nhưng họ quan tâm rất nhiều mỗi khi có những buổi trưng bày, triển lãm thời trang lưu trữ. Hy vọng trong tương lai, thời trang lưu trữ tại Việt Nam có thể mở rộng nhiều dòng sản phẩm khác nhau, với giá khởi điểm vừa phải để nhóm khách hàng trẻ có thể tiếp cận sở hữu những món đồ thời trang mang tính lịch sử. Một khi hiểu được câu chuyện của sản phẩm, tôi tin rằng người tiêu dùng sẽ giữ sản phẩm lâu hơn, từ đó giúp vòng đời sản phẩm kéo dài hơn.
Nếu bạn có câu hỏi hoặc có những vấn đề cần trao đổi, đừng ngần ngại email cho tôi: [email protected].
Nguồn: Vogue Business