Cơ hội nào cho thời trang đã qua sử dụng tại Việt Nam? (phần 1)
Nghiên cứu về thời trang đã qua sử dụng tại Việt Nam, bao gồm những khái niệm về mô hình kinh doanh, cơ hội và thách thức trong kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam.
Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu kéo dài trong hơn ba năm qua khiến người tiêu dùng trên thế giới cũng như tại Việt Nam hình thành nhiều thói quen mua sắm thực tế hơn, hướng đến việc ‘thắt lưng buộc bụng’ hơn. Nhưng nhu cầu làm đẹp không vì thế mà suy giảm. Họ chỉ chuyển sang thói quen thực tập lối sống ‘bền vững’ nhiều hơn.
Trong bài này, tôi muốn chia sẻ nội dung tóm tắt một nghiên cứu về thời trang đã qua sử dụng tại Việt Nam, bao gồm:
Những khái niệm về mô hình kinh doanh mặt hàng này
Những cơ hội và thách thức trong kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam
Đồng thời, tôi cũng tìm hiểu về hướng đi khá độc đáo của Piktina, một nền tảng hoán đổi tủ đồ từ người tiêu dùng vừa gọi được vốn đầu tư khủng trong thời gian gần đây, qua buổi trò chuyện với chị Phương Nguyễn, đồng sáng lập và là CEO của thương hiệu.
Tóm tắt một nghiên cứu về ‘thời trang đã qua sử dụng tại Việt Nam’
Trong tháng 8/2022, tạp chí Journal of Fashion Marketing & Management, một tạp chí hàng đầu trên thế giới chuyên nghiên cứu về quản trị và marketing thời trang, đã xuất bản một nghiên cứu do tôi cùng với đồng nghiệp PGS.TS Jerry Watkins tiến hành, về đề tài ‘Thời trang đã qua sử dụng được xem là chủ nghĩa tiêu dùng bền vững? Cơ hội và thách thức tại thị trường Việt Nam’.
Nghiên cứu này dựa vào bài phỏng vấn các chủ doanh nghiệp tiên phong trong ngành kinh doanh thời trang đã qua sử dụng, có cửa hiệu tại TP.HCM và kinh doanh trên thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Những khái niệm về mô hình kinh doanh thời trang đã qua sử dụng
Nghiên cứu này bắt đầu bằng việc đưa ra một số khái niệm để đi đến kết luận liệu thời trang đã qua sử dụng có được xem là ‘thời trang bền vững’? Theo nghiên cứu của Gordon & Hill năm 2015, thời trang đã qua sử dụng được phân thành 3 loại:
Tái sử dụng: một sản phẩm thời trang đã qua sử dụng được ‘sang tên’ cho chủ mới, có thể là cho người thân trong gia đình hoặc thông qua việc trao đổi, mua bán.
Vintage: một sản phẩm thời trang đã qua sử dụng nhưng là sản phẩm của một nhà thiết kế tên tuổi hoặc thiết kế có tính đặc trưng của một cột mốc thời trang nào đó trong quá khứ.
Tái chế: một sản phẩm thời trang mới được tạo ra từ việc sử dụng những nguyên vật liệu từ những sản phẩm thời trang cũ.
Về bản chất, thời trang đã qua sử dụng là một phương án bền vững cho người tiêu dùng so với thời trang nhanh vì tiết kiệm được lượng tiêu thụ nước, lượng hoá chất cũng như khí thải carbon (theo nghiên cứu của McFall-Johnson, M. năm 2020).
Việc kinh doanh thời trang đã qua sử dụng cũng được chia làm 3 loại, dưới hình thức cửa hàng hoặc bán online:
Mua đồ cũ: mua lại sản phẩm thời trang từ người tiêu dùng. Sau đó bán lại hoặc dùng lại.
Ký gửi: người tiêu dùng ký gửi sản phẩm thời trang tại cửa hàng chuyên bán hàng đã qua sử dụng và chỉ được thanh toán khi sản phẩm được bán ra.
Tổ chức từ thiện: mua lại sản phẩm thời trang từ các tổ chức từ thiện, sau đó xử lý và bán lại trên đường phố hoặc các cửa hiệu online.
Những cơ hội kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam
Nghiên cứu này chỉ ra sự khác biệt trong nhận thức về thời trang đã qua sử dụng giữa các thế hệ tại Việt Nam. Trong khi nhóm khách hàng lớn tuổi (từ 55 trở lên) vẫn còn có những định kiến không hay về thời trang đã qua sử dụng qua ký ức ‘đồ si’ trong thập niên 1980-1990, thì nhóm trẻ ở độ tuổi 15-30 lại rất ủng hộ phong trào này. Đây là cơ hội tiềm năng vì dân số Việt Nam hiện có tỉ lệ trẻ cao. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Group, 35% dân số Việt Nam thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1980-2000) và 30% thuộc thế hệ Gen Z (sinh 1990-2010).
Nguyên nhân nhóm người tiêu dùng trẻ ‘kết’ thời trang đã qua sử dụng bao gồm 3 lý do:
Vừa túi tiền và tuyển được hàng ‘độc’, dễ tạo phong cách lạ cho riêng mình. Họ tương tác thường xuyên trên mạng xã hội và không ngại khoe ‘chiến tích’ sưu tập của mình trên mạng xã hội.
2. Hình thành mối liên kết giữa thời trang đã qua sử dụng và thời trang bền vững, dù khái niệm bền vững có thể được nói đến bằng nhiều từ khác nhau như ‘mua sắm thông minh’, ‘mua sắm có trách nhiệm’, ‘thiết kế bền vững’, ‘thiết kế không tuổi’. Những khái niệm này có thể do ảnh hưởng từ người bán cũng như từ truyền thông thường nhắc đến trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là trên các tạp chí thời trang trong nước và quốc tế.
3. Chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh thời trang đã qua sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng trẻ, những người lớn lên trong thời đại kỹ thuật số (còn tiếp).
Câu hỏi dành cho blog
Nếu bạn có câu hỏi hay những vấn đề cần quan tâm, hãy email: [email protected]. Tôi cố gắng sẽ trả lời sớm nhất có thể