Giới thiệu chuyên mục fashion marketing trong lĩnh vực thời trang
Sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ là một trong những thuận lợi rất lớn dành cho các start-up trong lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên, thử thách cũng không ít khi họ không được đào tạo bài b�
Chuyên mục Fashion Marketing của Brands Vietnam muốn phần nào giúp các start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ giải đáp bài toán không đơn giản này.
Vài năm trở lại đây, thị trường thời trang Việt Nam dần trở nên sôi động và cạnh tranh mạnh mẽ, với sự tham gia của các thương hiệu fast-fashion có tiếng trên thế giới như Pull & Bear, Old Navy, và gần đây là Zara (2016) và H&M (2017) với việc ra mắt flagship store tiêu chuẩn quốc tế ở cả hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thêm nữa, các fan ruột của Uniqlo cũng đang nóng lòng chờ đón thương hiệu nổi tiếng của Nhật này chính thức gia nhập thị trường Việt Nam trong năm tới.
Sự đổ bộ mạnh mẽ này cho thấy tiềm năng của ngành thời trang tại Việt Nam. Theo báo cáo của Asia News Monitor tháng 8-2017, có gần 200 thương hiệu quốc tế đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần trong ngành thời trang. Theo khảo sát của Ogilvy toàn cầu năm 2016, Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế nhanh toàn cầu, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu từ 30 triệu người năm 2015 lên đến 49 triệu năm 2025. Điểm nổi bật của tầng lớp trung lưu là họ sẽ mạnh tay chi tiêu cho thời trang và du lịch.
Các thương hiệu Việt có nhìn thấy tiềm năng này? Tất nhiên là có. Trong series đầu tiên của chuyên mục Fashion Marketing, chúng tôi sẽ chỉ bàn về nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium Enterprises - hay SMEs), với phân khúc thị trường tầm trung (middle market) và thị trường thời trang nhanh (mass market).
Sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ đã giúp biến những giấc mơ start-up thời trang thành hiện thực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) mọc lên như nấm sau mưa vì họ thấy rất nhiều cơ hội trong ngành thời trang còn khá mới mẻ này. Tuy nhiên, thử thách cũng không ít khi họ chỉ có xuất phát điểm là niềm đam mê với thời trang, không được đào tạo bài bản về marketing, không có ngân sách “khủng” như các tên tuổi có tiếng của thời trang ngoại. Vậy làm cách nào để các nhà thiết kế trẻ và các thương hiệu thời trang vừa và nhỏ có thể cạnh tranh, tạo được dấu ấn và thành công trên chính sân nhà?
Chuyên mục Fashion Marketing của Brands Vietnam muốn phần nào giúp các start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ giải đáp bài toán không đơn giản này, thông qua việc phỏng vấn những nhà thiết kế và đại diện của các thương hiệu thời trang vừa và nhỏ có hoạt động nổi bật tại thị trường Việt Nam, cùng những phân tích và lời khuyên thiết thực từ chuyên gia trong ngành.
Dẫn dắt chuyên mục là chị Lâm Hồng Lan, hiện là giảng viên bộ môn Fashion Marketing, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam. Ngoài thời gian giảng dạy, chị còn phụ trách mảng huấn luyện và đào tạo tại công ty truyền thông Ogilvy Vietnam. Trước đó, chị từng giữ các chức vụ chủ chốt tại 4 tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới là InterPublic (McCann-Erickson), WPP (Ogilvy), OMD (BBDO) và Publicis (MSL), và tham gia nhiều dự án truyền thông với các thương hiệu thời trang quốc tế.
Đề tài chúng tôi khai thác sẽ xoay quanh 4Ps căn bản của marketing, với những đặc thù của ngành thời trang.
Về P1 – Product (sản phẩm): chúng tôi không chỉ khai thác về chiến lược sản phẩm của thương hiệu, mà còn tìm hiểu về concept của thương hiệu cũng như quan điểm về thời trang của người sáng lập hoặc nhà thiết kế đó.
Với P2 – Pricing (giá cả): chúng tôi sẽ bàn về chiến lược định giá cũng như việc xác định phân khúc khách hàng như thế nào. Ý đồ đằng sau các chiến lược đó là gì?
Với P3 – Place (địa điểm phân phối) và P4 – Promotion (quảng bá) của thương hiệu: chúng tôi sẽ khai thác việc các nhà thiết kế chọn phân phối những sản phẩm thời trang của họ như thế nào? Họ quảng cáo và sử dụng những chiến lược xây dựng thương hiệu ra sao để phù hợp với ngân sách hạn chế của mình?
Trong số đầu tiên của chuyên mục Fashion Marketing, Brands Vietnam có buổi trò chuyện với chị Lâm Hồng Lan để tìm hiểu thêm về chuyên mục.
* Cảm ơn chị Lan đã nhận lời dẫn chuyên mục Fashion Marketing của Brands Vietnam. Trong ngành quảng cáo, chị được biết đến như là một chuyên gia về Marketing & Communications với hơn 20 năm kinh nghiệm. Được biết chị cũng rất đam mê thời trang, không biết cơ duyên nào đã đưa chị đến với vai trò giảng viên môn Fashion Marketing tại trường Đại học RMIT?
(Cười) Thực ra ba năm trước đây tôi bắt đầu giảng dạy tại Đại học RMIT với bộ môn quảng cáo (thuộc chuyên ngành truyền thông), vốn là sở trường của tôi. Khoa Truyền thông và Thiết kế tại RMIT có ba chuyên ngành chính là truyền thông, thiết kế và thời trang. Cuối năm 2016 chuyên ngành thời trang cần một giảng viên am hiểu thị trường nội địa và quốc tế cho bộ môn Fashion Marketing, tôi đã lập tức nắm lấy cơ hội vì niềm đam mê thời trang từ rất lâu của mình. Sau một thời gian giảng dạy đồng thời cả hai chuyên ngành, tôi đã chuyển hẳn sang ngành Fashion Marketing để thoả mãn đam mê của mình.
* Chị có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về đam mê thời trang này?
Ngay trước khi bén duyên với thời trang tại RMIT, mỗi khi có dịp đi công tác hay du lịch, tôi thường dành thời gian lang thang dạo quanh những viện bảo tàng, hoặc các trung tâm nghệ thuật về thời trang vì tôi thích khám phá cách thời trang phản ánh thời cuộc như thế nào. Gần đây nhất là vào dịp Tết vừa qua, tôi có dịp đi công tác ở Paris và tranh thủ ghé thăm bảo tàng Cartier Foundation. Điểm đặc biệt là họ không chỉ trưng bày các bộ sưu tập liên quan đến thương hiệu thời trang của mình, mà còn là nơi để vinh danh các nghệ sĩ tài danh của thế hệ trước đồng thời cũng là nơi nâng đỡ trưng bày bộ sưu tập của các nhà thiết kế trẻ đang lên.
Lúc trước khi còn làm trong ngành quảng cáo, tôi rất thích khi có dịp làm dự án cho các thương hiệu thời trang như Burberry, Ohui hay Maybelline, vì dù đấy không phải là những dự án có ngân sách cao, nhưng rất hiệu quả. Tôi vẫn nhớ tại hội nghị thường niên của BBDO toàn cầu năm 2009 tại Thượng Hải, tôi thực sự choáng ngợp với case study của các đồng nghiệp BBDO/Proximity China khi họ giúp thương hiệu thời trang nổi tiếng Fendi ra mắt bộ sưu tập mới, với sàn diễn catwalk dài nhất thế giới trên Vạn Lí Trường Thành, Trung Quốc. Tôi mong muốn với bề dày kiến thức trong ngành truyền thông, tôi có thể làm điều gì đó thực sự ấn tượng cho ngành thời trang nước nhà.
* Mỗi người hẳn sẽ có một định nghĩa về thời trang khác nhau. Với một số người, thời trang là mọi thứ cần vừa vặn và tôn vinh đường nét cơ thể; còn với một số người khác thì thể hiện được cá tính, cái tôi của mỗi người. Vậy định nghĩa của chị về thời trang là gì?
Với tôi thì mọi thứ từ trang phục, giày dép, phụ kiện phải phù hợp với hoàn cảnh. Bạn có thể mặc rất lộng lẫy, nhưng bước vào một nơi có bối cảnh không phù hợp thì cũng không phải là đẹp. Việc ăn mặc quá xuề xòa hay quá chưng diện so với bối cảnh đều làm tôi mất tự tin. Và tôi nghĩ sự tự tin trong trang phục là rất quan trọng.
Do vậy tôi nghĩ ăn mặc tinh tế, phù hợp với bối cảnh là điều kiện tiên quyết, sau đó mới bàn đến chuyện phối hợp trang phục, phụ kiện như thế nào thể hiện được cá tính và tôn lên dáng vóc cơ thể mỗi người.
Tôi thấy thời trang đem đến sự tự tin cho mỗi người, đồng thời cũng thể hiện quan điểm, cách nghĩ và sự tôn trọng của mình với người đối diện. Ngoài ra, mỗi người khi lựa chọn trang phục nên dựa vào sở thích và cá tính của riêng mình chứ đừng nên chạy theo những khuôn mẫu và đánh giá của người khác.
* Chị có đề cập ở phần trên về việc các start-up thời trang, các thương hiệu vừa và nhỏ đang nhận thấy rất nhiều cơ hội trong thị trường thời trang Việt và muốn thử sức. Vậy chị thấy những cơ hội và thách thức nào, trên quan điểm của chị về lĩnh vực marketing trong ngành thời trang?
Cơ hội thì rất nhiều. Dân số Việt Nam với 93 triệu dân, trong đó 60% dưới 35 tuổi (theo PR Newswire). Nhóm các bạn trẻ này đang định hình phong cách thời trang của mình, và thương hiệu nào có thể nhắm đúng những nhu cầu của họ, thương hiệu đó sẽ thành công. Internet, công nghệ cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc giảm áp lực vốn khởi nghiệp. Hiện nay khởi nghiệp bằng việc bán online qua website hoặc Facebook, Instagram… là giải pháp hữu hiệu khi không thể cạnh tranh mặt bằng với những thương hiệu lớn nhiều ngân sách.
Nhưng thử thách không phải ít. Khác với các nước tiên tiến, khi nhà thiết kế chỉ tập trung vào việc thiết kế, phần tung sản phẩm, tìm khách hàng… sẽ có các công ty bán lẻ phụ trách. Ở Việt Nam, các nhà thiết kế sẽ phải làm từ A đến Z, từ khâu thiết kế đến sản xuất, trưng bày, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Điều này làm giảm khả năng sáng tạo, và không hiệu quả vì không đúng chuyên môn của họ.
Mặt khác, các nhà thiết kế thường làm theo bản năng mà không có chiến lược lâu dài về sản phẩm, cũng như không có chiến lược marketing bài bản và không nhắm đến một nhóm khách hàng cụ thể nào.
* Vậy theo chị chuyên mục này có thể giúp gì cho các start-up thời trang, các nhà thiết kế trẻ?
Đây là giai đoạn sôi động của thị trường thời trang Việt với nhiều thương hiệu thời trang quốc tế cũng như trong nước đang cố gắng tranh giành thị phần tại Việt Nam. Tôi có một vài cuộc trao đổi với các nhà thiết kế SMEs trong nước, cả ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, về áp lực cạnh tranh với các thương hiệu fast-fashion quốc tế. Tuy bày tỏ quan ngại về việc không có ngân sách khủng cũng như danh tiếng của thương hiệu, các nhà thiết kế trẻ tôi có dịp trò chuyện khá lạc quan trong cuộc đối đầu không cân sức này. Họ chia sẻ rằng thị trường vẫn còn đủ lớn, có chỗ cho những thương hiệu Việt nhỏ nếu họ có chiến lược đúng đắn.
Trong những số sau của chuyên mục Fashion Marketing, tôi sẽ chia sẻ một vài bài học thành công từ các nhà thiết kế trẻ, các start-up thời trang, giúp các bạn đã và đang có ý định biến đam mê thời trang của mình thành hiện thực, có cái nhìn bài bản hơn trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình.
* Cảm ơn chị Lan về những chia sẻ trên! Hy vọng chuyên mục sẽ đem lại những thông tin hữu ích và câu chuyện thú vị về marketing trong nhóm SMEs ngành thời trang Việt Nam.