Nền tảng bán sản phẩm thời trang đã qua sử dụng có nên ‘bức tử’ thời trang nhanh?
Nội dung được lược dịch từ bài đăng trên Vogue Business về việc Vestiaire Collective, một nền tảng bán sản phẩm thời trang đã qua sử dụng, tuyên bố sẽ loại bỏ thời trang nhanh trên nền tảng của h�
Vestiaire Collective (VC), một nền tảng bán sản phẩm thời trang đã qua sử dụng có trụ sở tại Pháp, tuyên bố họ sẽ loại bỏ thời trang nhanh trên nền tảng của mình vào những tháng cuối năm 2022. Động thái này mở ra câu hỏi thời trang nhanh nên được xử lý như thế nào trong mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trong phần tuyên bố này, VC đưa ra một kế hoạch ba năm với những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá các thương hiệu thời trang nhanh như chất lượng sản phẩm, điều kiện làm việc và chất thải carbon, qua sự giám sát của một đối tác thứ ba.
Bất kỳ thương hiệu nào, ngay cả không phải thời trang nhanh, không đạt những yêu cầu trên sẽ bị cấm giao dịch trên nền tảng này. VC đã ngừng hợp tác với những thương hiệu đứng đầu trong danh sách thời trang nhanh như Boohoo, PrettyLittleThing, ASOS và SHEIN, chiếm khoảng 5% hàng trong kho. Những thương hiệu khác như H&M và ZARA vẫn được giao dịch, nhưng sẽ bị xem xét lại dựa vào ba tiêu chí nêu trên. Lệnh cấm ban đầu này chỉ là một phần của chiến lược nhằm hạn chế việc tiêu thụ sản phẩm thời trang nhanh, một trong những lý do chính khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm đã qua sử dụng.
“Chúng tôi biết đây là một quyết định gây nhiều tranh cãi. Có nhiều chỉ trích cho rằng quyết định này sẽ ngăn người tiêu dùng kéo dài tuổi thọ của sản phẩm thời trang nhanh thông qua các nền tảng mua bán lại”, bà Fanny Moizant, Chủ tịch và Đồng sáng lập của VC cho biết.
VC cũng có kế hoạch tìm kiếm giải pháp cho những sản phẩm thời trang nhanh như sửa chữa, tái sử dụng, nâng cấp sản phẩm và chiến lược quyên góp cho tổ chức từ thiện một cách hợp lý. Điều này để đảm bảo lệnh cấm không đổ trách nhiệm cho tổ chức quản lý quần áo thải Kantamanto ở Ghana, một thị trường hàng secondhand lớn nhất ở Châu Phi. VC đang hợp tác với tổ chức phi chính phủ Or Foundation để nâng cao nhận thức về chất thải thời trang và vận động chính phủ trong việc thay đổi chính sách, cụ thể là tăng trách nhiệm cho những nhà sản xuất trong việc xử lý sản phẩm thời trang sau khi sử dụng.
Tuy nhiên việc các nền tảng bán sản phẩm đã qua sử dụng có kìm hãm việc tiêu thụ thời trang nhanh hay không vẫn còn là việc gây tranh cãi. Justine Porterie, Giám đốc mảng bền vững của Depop (một nền tảng bán hàng thời trang đã qua sử dụng) cho rằng việc cấm thời trang nhanh sẽ “đi ngược lại định hướng của công ty là một lựa chọn đáng tin cậy thay vì mua hàng mới giá rẻ và chạy theo mốt”. Vinted, một nền tảng bán hàng thời trang đã qua sử dụng khác, công nhận rằng thời trang nhanh được sản xuất quá nhiều, nhưng việc bài trừ nó trên nền tảng cũng sẽ không ngăn cản được người tiêu dùng mua nó.
Các công ty thời trang nhanh cũng đã nhập cuộc bằng cách trực tiếp tham gia vào mảng bán đồ cũ. Các thương hiệu như PrettyLittleThing, SHEIN và ZARA đã cho ra mắt nền tảng bán hàng đã qua sử dụng của riêng họ vào mùa hè năm nay, với việc quảng bá những thói quen bền vững và nền kinh tế tuần hoàn cho người tiêu dùng. Nhưng các chuyên gia cho rằng nếu các thương hiệu này không cắt giảm sản lượng sản xuất, thì những nền tảng bán hàng đã qua sử dụng của họ không được coi là bền vững.
Đối phó với thời trang nhanh đã qua sử dụng
Brett Staniland, một chuyên gia về thời trang bền vững cho biết, nếu các nền tảng hàng thời trang đã qua sử dụng ngăn việc mua bán thời trang nhanh, người tiêu dùng sẽ tìm về nền tảng mua lại đồ cũ của những công ty thời trang nhanh, tức là người tiêu dùng tiếp tục mang lại lợi nhuận cho họ. “Một thực tế là người tiêu dùng trẻ thường có xu hướng mua hàng trộn lẫn giữa xa xỉ và thời trang nhanh. Họ sẽ phối đồ của các thương hiệu thời trang nhanh với túi Prada chẳng hạn. Nếu họ có thể bán lại trong cùng một nơi, điều đó thuận tiện hơn rất nhiều. Chúng ta không cần phải khiến họ mặc cảm khi mua sản phẩm thời trang nhanh. Chúng ta chỉ cần họ sử dụng càng lâu sản phẩm đã mua càng tốt”, ông cho biết thêm.
“85% cộng đồng của chúng tôi cho biết nhờ nền tảng thời trang đã qua sử dụng, họ có thể mua những sản phẩm của thương hiệu tốt hơn thay vì mua thời trang nhanh,” bà Moizant kết luận. “Chúng tôi luôn khuyến khích mọi người đầu tư vào những sản phẩm chất lượng tốt. Nếu bạn mua một chiếc áo thương hiệu Isabel Marant Étoile đã qua sử dụng, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng chiếc áo này sẽ sử dụng được lâu hơn, vì chắc chắn chất lượng bền hơn.”
Chia sẻ từ blog
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với các chủ doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thời trang đã qua sử dụng tại TP.HCM, việc mô hình thanh lý tủ quần áo được phổ biến rộng rãi trên các nền tảng này, cùng với sự quảng bá việc sử dụng sản phẩm thời trang đã qua sử dụng trên truyền thông thế giới cũng như trong nước, đã tạo một thói quen mua sắm và sử dụng sản phẩm thời trang tích cực hơn từ người tiêu dùng.
Thứ nhất, người tiêu dùng cân nhắc hơn về chất lượng sản phẩm khi mua (liệu chất lượng tốt và bền khi sử dụng và có khả năng bán lại với giá tốt sau này?).
Thứ hai, họ ý thức hơn về việc giữ gìn sản phẩm khi mặc (tránh để sản phẩm bị trầy xước, dính vết bẩn) và cuối cùng là họ chăm sóc sản phẩm sau khi mặc tốt hơn (để sản phẩm luôn như mới).
Đây là những dấu hiệu đáng mừng vì ngay cả khi người tiêu dùng không hoặc chưa có nhu cầu bán lại, họ sẽ sử dụng sản phẩm lâu hơn (vì vẫn còn đẹp), giúp tuổi thọ sản phẩm kéo dài hơn và có thể nhu cầu mua sản phẩm mới sẽ ít đi. Hy vọng trong lần mua sắm kế tiếp hoặc khi đang sử dụng các sản phẩm hiện có trong tủ quần áo của mình, các bạn cân nhắc những thói quen trên. Những điều đó vừa giúp bạn tiết kiệm kha khá ví tiền của mình, vừa chung tay giữ gìn hành tinh xinh đẹp của chúng ta không bị “bội thực” bởi quần áo thải.
Nguồn tham khảo: Vogue Business
Câu hỏi dành cho blog
Nếu bạn có câu hỏi hoặc có những vấn đề cần trao đổi, hãy email: [email protected]. Tôi cố gắng sẽ trả lời sớm nhất có thể.