Những ý tưởng táo bạo về lưu trữ thời trang vintage
Trong số này tôi muốn chia sẻ ý tưởng làm mới các sản phẩm vintage của thương hiệu Gucci qua bài viết của Luke Leitch đăng trên Vogue ngày 25/9/2021 và bài phỏng vấn với bạn Nguyên Đặng, founder của Shine
Giám đốc Sáng tạo của hãng thời trang 100 năm tuổi Gucci, Alessandro Michele, đã trình làng một ý tưởng táo bạo với tên gọi “Kho báu Gucci” hay Gucci Vault tại Milan Fashion Week vừa qua. Đây là một concept store online chuyên lưu trữ và bày bán các sản phẩm vintage trong suốt hành trình 100 năm lịch sử của nhà mẫu đình đám tại Ý này. Những sản phẩm này được chính tay Michele chọn lựa và làm mới lại bởi các nghệ nhân của Gucci. “Kho báu Gucci” cũng bày bán những thiết kế từ 13 nhà thiết kế trẻ mới nổi trên toàn cầu, bao gồm Ahluwalia, Bianca Saunders, Boramy Viguier, Charles de Vilmorin, Collina Strada, Cormio, Gui Rosa, Jordanluca, Rave Review, Rui Zhou, Shanel Campbell, Stefan Cooke, và Yueqi Qi.
Ý tưởng “Kho báu Gucci” mang nhiều ý nghĩa. Một nhà mốt tên tuổi trình làng những thiết kế vintage trải dài trong 100 năm lịch sử thể hiện sự chín muồi về mặt sáng tạo, phù hợp với xu hướng thời trang bền vững, và có tiềm năng nhất định về mặt thương mại. Gucci không chỉ từng bước lấn sân sang việc mua bán sản phẩm đã qua sử dụng của chính hãng, mà còn tạo ra một dòng sản phẩm đặc biệt pha trộn giữa cái cũ và cái mới khi họ thổi hồn vào sản phẩm cũ để phù hợp với thời đại mới.
Trong buổi họp báo ra mắt trong khuôn viên của đài tưởng niệm chiến thắng khi Napoleon đánh dấu đế chế hùng mạnh của mình tại Milan, Michele cho biết sẽ có nhiều nhà thiết kế trẻ được mời tham gia vào dự án này. “Đây không phải là dự án thiết kế để mang lại lợi nhuận. Ý tưởng bắt nguồn từ tình yêu của tôi đối với những sản phẩm vintage và mong muốn tạo ra một điều gì đó khác biệt. Tôi rất đam mê việc phối hợp giữa vintage và đương đại. Trong thế giới kiến trúc, người ta dễ dàng dành sự ngưỡng mộ cho những toà nhà cổ xưa. Nhưng trong thế giới thời trang, sự ngưỡng mộ đó chưa được dành ở mức xứng đáng. Sản phẩm vintage thường chỉ được các chuyên gia hoặc những người chuyên sưu tập như tôi quan tâm. Có người còn khuyên tôi nên bỏ bớt chúng đi, như mẹ tôi chẳng hạn, bà cứ hay nhắc nhở tôi ‘con phải dọn bớt chúng đi!’”, anh chia sẻ thêm.
“Ý tưởng này chưa bao giờ được bàn nhiều trong ngành công nghiệp thời trang, vì nó dường như chỉ dành cho những kẻ cuồng tín, say mê vô điều kiện với đồ vintage. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên dành vị trí trung tâm cho đồ vintage. Tại sao chúng ta không tạo ra một nơi giống như một vintage store với những sản phẩm là cầu nối của cột mốc hoặc địa danh nào đó? Tôi thích thổi hồn vào sản phẩm vintage như thể lần đầu tiên tôi thấy chúng: tôi tô điểm thêm các khối hình hoạ hoặc vẽ vào những hoạ tiết khác nhau. Cửa hàng như vậy rất khó tìm thấy trên thực tế. Những nơi trước đây hay bày bán đồ vintage như Colette thì không còn nữa.
Chúng tôi sưu tập nhiều thương hiệu khác nhau trong ‘kho báu Gucci’ và việc này mở mang đầu óc cho tôi rất nhiều. Việc bạn đọc hàng trăm quyển sách sẽ tạo ra sự khác biệt rất nhiều so với việc bạn chỉ đọc một quyển. Việc sưu tập đồ vintage cũng vậy. Tôi rất mong một ngày nào đó có nhiều thương hiệu khác bày bán đồ vintage của họ trên ‘kho báu Gucci’ này. Chúng tôi gọi nó là ‘kho báu’ vì kho báu là nơi cất giữ những thứ quý giá, những thứ biểu hiện cho sự sống. Có vài món tôi muốn để lại cho riêng mình, nhưng rồi tôi quyết định trưng bày trên website…
Nhiều người cho rằng hãy để quá khứ đi vào quên lãng, nhưng trên thực tế chúng ta đều bị ảnh hưởng và liên quan ít nhiều đến quá khứ. Trong lĩnh vực thời trang, quá khứ luôn đan xen với hiện tại. Thật khó để mà đoạn tuyệt với quá khứ, ngay cả khi bạn cho mình là người tài giỏi đến thế nào. Cách tốt nhất là chúng ta nên sống chung với quá khứ và tận hưởng những cái đẹp mà nó mang lại. Việc không thừa nhận quá khứ giống như việc chối bỏ thực tế ‘xuân đi hạ đến’ vậy.”
Dưới đây là bài phỏng vấn với bạn Nguyên Đặng, founder của Shinesium, về mô hình này tại Việt Nam.
* Chào Nguyên, rất vui khi em nhận lời tham gia chuyên mục này. Như em đã chia sẻ trong các bài phỏng vấn trước đây, lý do ra đời Shinesium là từ sở thích cá nhân và vì mong muốn tạo dựng một cộng đồng thích thời trang vintage/archive tại Việt Nam. Em có thể giải thích sự khác biệt của thời trang vintage và thời trang lưu trữ được không?
Về cơ bản, cả thời trang vintage và thời trang lưu trữ (Archival Fashion) đều là những món đồ đã qua sử dụng, có một tuổi thọ nhất định và mang một dấu ấn trong quá khứ. Tuy nhiên, điểm khác biệt của thời trang lưu trữ là giá trị nổi bật của nó về mặt lịch sử, thiết kế, chất liệu thể hiện những giai đoạn đặc biệt của các nhà mốt, nhà thiết kế có ảnh hướng lớn đến nền thời trang tại thời điểm đó. Giá trị xứng đáng được “lưu trữ” và sưu tầm này được đồng thuận bởi nhiều nhà sưu tập hay cộng đồng thời trang trên thế giới. Mỗi món đồ mang danh “Archival Fashion” có thể thuộc về một bộ sưu tập hay thời khắc đặc biệt của một thương hiệu/ nhà thiết kế từ một giai đoạn nhất định. Và một trong những điểm rất “quyến rũ” của những món đồ này là câu chuyện, cảm hứng đa dạng đằng sau vẻ đẹp hữu hình, trực quan của chúng.
Ví dụ, khi bạn diện một món đồ vintage rất đẹp vừa “săn” được ở một tiệm đồ cũ, đi cafe cùng bạn bè và được khen không ngớt, bạn có thể “nở mũi” khoe thêm đôi chút: “Chiếc áo da theo phong cách ‘punk’ này là từ những năm 80 đấy”. Còn ở một sản phẩm ‘thời trang lưu trữ’, bạn còn có thể tiến xa hơn qua những câu chuyện, ngoài sự nổi bật và khác biệt hiện hữu nơi vải vóc và thiết kế, chẳng hạn: “Chiếc áo này thuộc bộ sưu tập Thu – Đông năm 1996 của huyền thoại Alexander McQueen, lấy cảm hứng từ tác phẩm vĩ đại ‘Thần Khúc’ của Dante đấy”, và những chia sẻ này đôi khi lại mở ra cả một cuộc đối thoại thú vị về cảm hứng xung quanh thiết kế... Em luôn cảm nhận rằng một câu chuyện hay tồn tại trong mỗi sản phẩm, dù là ở ngành nghề nào cũng luôn có một giá trị, sức hút hơn hẳn.
Để có sự liên hệ trực quan và dễ hình dung hơn với các thú vui sưu tập và tiêu dùng trong những lĩnh vực khác, sự khác biệt giữa “thời trang lưu trữ” và các món quần áo cũ thông thường có thể tương tự với sự khác biệt giữa các ngành khác như “đồng hồ cũ” và “đồng hồ cổ”, giữa “sách cũ” và “sách xưa/ sách cổ”... Tuy là các ngành hàng khác nhau nhưng sự phân biệt về tính chất, giá trị giữa hai bên cán cân cũng giống nhau như Trăng và Nguyệt vậy.
* Việc chọn lựa thương hiệu Việt Kilomet109 trong pop-up store của Shinesium gần đây đã tạo được kết quả khả quan. Em có thể chia sẻ thêm về hướng đi này?
Mặc dù sưu tập và kinh doanh các sản phẩm mang giá trị lưu trữ có tuổi thọ lâu đời từ các thương hiệu lớn trên quốc tế, Shinesium mang 100% dòng máu Việt. Em và team luôn dành sự quan tâm đặc biệt cũng như sự ngưỡng mộ đến các thương hiệu thời trang/ nhà thiết kế nội địa với những giá trị, thiết kế đột phá và hoàn toàn xứng đáng để được sưu tầm và “lưu trữ”. Việc hợp tác với thương hiệu Kilomet109 trong pop-up store của Shinesium gần đây không phải là ngẫu nhiên, mà là bước đi đầu tiên trong một định hướng lâu dài của em và team trong nỗ lực kết nối khách hàng Việt Nam với các thương hiệu/ nhà thiết kế thời trang nội địa có những giá trị và chất lượng không thua kém các hãng tên tuổi trên làng thời trang quốc tế.
Sự thành công của việc hợp tác giữa hai thương hiệu thể hiện qua sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng là một tín hiệu rất tích cực và là nguồn khích lệ lớn cho Shinesium trong những kế hoạch hợp tác tiếp theo với các thương hiệu nội địa khác, không chỉ gói gọn trong thời trang mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
* Sau 4 năm phát triển loại hình thời trang lưu trữ tại thị trường Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, em có thể chia sẻ những trở ngại em gặp phải, ngoài yếu tố COVID-19?
Vì khái niệm ‘thời trang lưu trữ’ còn rất mới ở Việt Nam, việc phổ cập và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho những món đồ này, nhất là ở giai đoạn đầu thật sự không hề dễ dàng. Khái niệm đồ vintage hay secondhand đã tồn tại và phát triển từ lâu trước đó với thị trường khá lớn, nhưng để thuyết phục khách hàng chịu chi tiền triệu hay vài chục triệu cho một món đồ đã qua sử dụng là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Nhiều người tuy rất tò mò và hứng thú với thời trang lưu trữ nhưng vẫn khá dè dặt khi quyết định chi một khoản tiền không nhỏ cho một món đồ đã qua sử dụng với tuổi đời nhiều khi còn “lớn” hơn họ. Vậy nên, Shinesium đã tìm nhiều cách tiếp cận khác nhau, cả trực tuyến (online) và trực tiếp (offline) để khách hàng có thể thật sự cảm nhận được những giá trị, câu chuyện và vẻ đẹp vượt thời gian mà ‘thời trang lưu trữ’ mang lại. Và để khiến khách hàng có nhiều cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp có thể “nắm bắt” được của các sản phẩm ‘thời trang lưu trữ’ không phải chỉ qua sách vở và trên lý thuyết, những buổi pop-up và triển lãm bắt đầu ra đời, thu hút đáng kể sự chú ý và quan tâm đặc biệt của cộng đồng và giới mộ điệu. Đến thời điểm hiện tại, em và team cũng đã mở rộng được một thị trường khá lớn, chinh phục được nhiều khách hàng khó tính…
Cũng phải nhắc đến một vài trở ngại liên quan mật thiết đến dịch bệnh COVID-19, việc chinh phục các thị trường nhiều tiềm năng khác ngoài TP.HCM như Hà Nội và các khu vực phía Bắc với thời tiết chiều chuộng việc ăn diện hơn lại gặp nhiều khó khăn trong khoảng 2 năm vừa qua. Cứ mỗi lần Shinesium có kế hoạch Bắc tiến thì lại bị đoàn quân COVID-19 chặn đánh và “dập tắt” không thương tiếc. Thực tế trong gần 2 năm kể từ khi bắt đầu đại dịch, khoảng hơn 80% các kế hoạch, dự án của Shinesium đã bị huỷ hoặc hoãn vô thời hạn. Đây cũng là một khó khăn lớn trong việc mở rộng thị trường nội địa. Hy vọng sắp tới tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và Shinesium có nhiều cơ hội hoạt động hơn ở những thị trường khác.
* Đối tượng khách hàng của Shinesium là ai?
Shinesium cho đến nay có một tệp khách hàng tương đối đa dạng về giới tính, tuổi tác và ngành nghề, với thái độ và tư duy mua sắm khác nhau. Ban đầu đối tượng em nhắm tới là nam giới vì họ có thói quen sưu tầm đồ vintage hơn. Dần dần sau này khi các khách hàng nữ biết đến Shinesium, em chuyển sang sưu tầm nhiều món đồ dành cho nữ. Thật sự thì những món đồ nữ còn cuốn hút em nhiều hơn, vì các chi tiết sắc sảo và kỳ công hơn so với đồ nam. Hiện nay tỷ lệ là 60:40 cho khách hàng nam và nữ.
Lứa tuổi khách hàng phổ biến nhất là 20-30 tuổi, họ là đối tượng khá năng động, chăm tương tác và cập nhật các xu thế, kiến thức mới lạ trong thời trang. Họ rất tích cực tham gia và quan tâm đặc biệt đến những hoạt động của Shinesium, quảng bá nhiệt tình mô hình ‘thời trang lưu trữ’ đến cộng đồng. Nhóm này tuy tài chính chưa thật dồi dào nhưng sẵn sàng “dành dụm” đến cùng để “tậu” được những món mình yêu thích.
Đến thời điểm hiện tại, nhóm khách hàng trong độ tuổi 30-40 đang ngày một nhiều hơn và đóng góp khá lớn vào doanh thu. Họ đã có một kinh nghiệm sống đáng kể và hứng thú đến những giá trị lâu bền, với những sản phẩm có chiều sâu, có tính “unique” và sử dụng được lâu dài. Họ cũng rất hứng thú với câu chuyện xoay quanh món đồ, khiến nó có giá trị sưu tầm. Đây có lẽ cũng là động lực giúp khách hàng sẵn sàng chi tiền hơn. Hơn nữa, nhóm này thường có thu nhập khá đến cao, nên sức chi cho thời trang cũng thoải mái hơn. Họ không mua ồ ạt nhưng thường sẵn sàng mở hầu bao cho những sản phẩm vừa ý.
Gần đây, nhóm khách hàng trên 40 tuổi bắt đầu tìm đến Shinesium, có thể biết đến thông qua bạn bè, khách hàng của Shinesium hay thông qua truyền thông và các sự kiện, hoạt động team tổ chức. Nhóm này dành sự hứng thú không nhỏ khi nghe về mô hình ‘thời trang lưu trữ’, và thường là khách hàng khá giả nên khả năng chi tiêu cũng hào phóng. Họ có thể quyết định mua dễ dàng khi tìm thấy một món đồ hợp với dáng người, biết được một câu chuyện thú vị hay lịch sử xoay quanh món đồ ấy.
Điểm chung của các nhóm khách hàng này là đều tìm thấy những giá trị đặc biệt của ‘thời trang lưu trữ’, thông qua những câu chuyện, những cột mốc và dấu ấn cá nhân của các nhà thiết kế… Họ quan tâm đến sự “độc bản” của mỗi món đồ mà Shinesium cung cấp nữa, khi họ tự tin biết rằng họ sẽ sở hữu một món thời trang cao cấp có giá trị lịch sử, có giá trị sưu tầm và không “đụng hàng”. Em cũng rất vui là các khách hàng khi đã trải nghiệm và biết đến Shinesium luôn quay lại và tiếp tục ủng hộ.
* Theo em, khách hàng có xem những món đồ ‘thời trang lưu trữ’ là thời trang bền vững không?
Còn tuỳ thuộc vào từng khách hàng và độ lưu tâm của họ đến khái niệm này. Một số khách hàng quan tâm đặc biệt đến các vấn đề về môi trường và các sản phẩm thời trang bền vững khi lựa chọn mua hàng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để họ quyết định có mua sản phẩm hay không vì nhóm này sẽ khó tính hơn khi chi tiêu cho ngành công nghiệp thời trang, vốn đang hứng chịu nhiều dư luận không tốt trong thời gian gần đây. Một số khác thì ít để ý hơn.
Nhưng theo em, hầu hết đều tự ý thức được phần nào về tính “bền vững” của ‘thời trang lưu trữ’ khi tiếp xúc với Shinesium. Vì một trong những yếu tố then chốt của thời trang bền vững là phải “bền” và “vững”, đúng như tên gọi của nó, tức là phải sử dụng được lâu dài. Một sản phẩm thời trang bền vững, ngoài các yếu tố về môi trường, xử lý chất liệu, rác thải hay vấn đề đạo đức…, thì phải có một chất lượng nhất định để tồn tại và sử dụng được lâu dài, và thiết kế đó cũng không quá phụ thuộc vào các trào lưu hay xu thế để có thể ứng dụng được trong nhiều giai đoạn mà không sợ “lỗi mốt”. Và ‘thời trang lưu trữ’ đáp ứng những yếu tố đó khá tốt. Ở ‘thời trang lưu trữ’, người sưu tập vừa có thể tìm thấy những thiết kế, dấu ấn mang tính lịch sử của các nhà mốt hàng đầu, những giá trị nguyên bản khó có thể tìm thấy ở đâu khác, thoả mãn nhu cầu sở hữu những món thời trang cao cấp với cá tính riêng biệt mà không lo bị “đụng hàng”, vừa có thể góp phần hạn chế tiêu thụ và sản xuất hàng mới đi kèm với phế thải thời trang.
* Em thường chia sẻ những câu chuyện đằng sau từng món đồ của ‘thời trang lưu trữ’. Vậy em có quảng bá thời trang lưu trữ như là thời trang bền vững không?
Tuy em vẫn chia sẻ với khách hàng về góc độ bền vững của ‘thời trang lưu trữ’, nhưng em thường không quảng bá khái niệm này. Em cảm thấy sự phổ biến và cổ suý thời trang bền vững gần đây trên thế giới và tại Việt Nam đang bị nhiều thương hiệu lạm dụng để làm “giàu”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ sử dụng “bền vững” như là một tuyên ngôn xuyên suốt cho nhận diện của thương hiệu để thu hút sự quan tâm và ủng hộ của khách hàng, trong khi thực tế thì họ chỉ thực hiện một phần rất nhỏ của “bền vững”. Ví dụ, họ có thể tự hào quảng bá “Một chiếc áo của chúng tôi chỉ tốn 1.000 lít nước trong toàn bộ quy trình sản xuất so với khoảng 2.700 lít nước như thông thường”, nhưng lại “quên” nói về độ bền của sản phẩm nọ khi chỉ sau vài ba tháng “áo anh” đã “sứt chỉ đường tà”, đã “sờn vai bạc áo” và không còn sử dụng được. Hay họ có thể tuyên bố bộ sưu tập mới đây sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế khổng lồ nhường nào, nhưng lại “quên” nhắc đến cách họ sử dụng những hoá chất nhuộm độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước ra sao. Một mô hình thời trang bền vững thật sự cần đáp ứng rất nhiều yếu tố và đó thật sự là một cuộc vật lộn với nhiều mặt giá trị khi đi theo con đường này, xét theo quy trình sản xuất thời trang thông thường.
Shinesium không hề mong muốn tiếp thị và tiếp cận khách hàng theo hình thức “greenwashing” như vậy. Em và team muốn khách hàng tự cảm nhận sự “bền” và “vững” từ những sản phẩm ‘thời trang lưu trữ’ đã được kiểm chứng qua một thời gian dài và trải qua bao xu hướng. Em và team sẵn sàng chia sẻ những lợi ích khi tiêu thụ ‘thời trang lưu trữ’ nói riêng và thời trang đã qua sử dụng nói chung, nhưng không quảng bá thương hiệu mình là thời trang bền vững như là một trào lưu.
* Theo em, những thông tin cổ suý cho thời trang bền vững, bao gồm ‘thời trang lưu trữ’ trên phương tiện truyền thông trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm gần đây có ảnh hưởng đến thói quen mua sắm ‘thời trang lưu trữ’ của khách hàng tại doanh nghiệp mình không?
Theo quan sát của em, những thông tin cổ suý cho thời trang bền vững và tiêu dùng sản phẩm thời trang vintage hay archive trên toàn cầu và Việt Nam những năm gần đây đã có ảnh hưởng khá lớn đến thói quen mua sắm ‘thời trang lưu trữ’ của Shinesium nói riêng và thị trường thời trang đã qua sử dụng nói chung. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày một dày đặc của các bộ cánh có tuổi đời đã vài chục năm từ các nhà mốt cao cấp trên mình của những minh tinh hay sao hạng A từ thảm đỏ các sự kiện hàng đầu thế giới như Met Gala, lễ trao giải Grammy…, trong các MV ca nhạc đình đám hoặc những photoshoot từ những tạp chí thời trang hàng đầu. Có thể nói, thời trang bền vững và thời trang vintage/ archive đang thực sự trở thành “xu thế” dù chúng ta có muốn thừa nhận hay không.
Ngày nay, người ta không còn e dè hay sợ bị cười chê khi diện một món đồ cũ, đã qua sử dụng mà tiếp nhận chúng một cách cởi mở và tự tin hơn rất nhiều, thậm chí là tự hào khi diện trên mình một món đồ secondhand, nhất là khi nó mang một dấu ấn lịch sử đặc trưng của thương hiệu hay thời kỳ nào đó. Và cũng nhờ truyền thông, khách hàng cũng ý thức hơn về việc mua sắm thông minh, hợp lý và tránh lãng phí. Họ bắt đầu có xu hướng mua hàng theo kiểu “buy less, but better” (mua ít nhưng mua tốt hơn). Họ không còn mua ồ ạt quá nhiều quần áo để sử dụng trong một thời gian ngắn, một “mùa” hay theo xu thế nào đó, mà chọn cho mình một sản phẩm có thể tồn tại được lâu dài, sử dụng được trong nhiều dịp mà vẫn độc đáo, không trộn lẫn. ‘Thời trang lưu trữ’ là một giải pháp rất tốt cho lựa chọn này.
* Bước tiếp theo của Shinesium trong giai đoạn “bình thường mới”? Tại sao em nghĩ pop-up store là giải pháp tối ưu để khách hàng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm ‘thời trang lưu trữ’?
Sau hai năm với nhiều dự án và kế hoạch bị vùi trong giấc ngủ đông hoặc khai tử vì dịch bệnh, Shinesium hy vọng sẽ sớm được tái khởi động và tăng cường những sự kiện mang tính tương tác và tính trải nghiệm cao, mới lạ hơn đến cộng đồng. Như em đã chia sẻ một chút lúc đầu, trong các dự án tiếp theo, chúng em cũng mong muốn sẽ được hợp tác với thêm nhiều thương hiệu Việt giá trị, có bản sắc riêng và những sản phẩm thật sự có giá trị “lưu trữ”, không phải chỉ trong phạm trù vải vóc mà ở đa dạng những lĩnh vực khác nữa, có thể là âm nhạc, văn hoá, giáo dục, nghề thủ công hay nội thất… với những mô hình cộng hưởng khác nhau. Điều này sẽ tạo nên sự phong phú cả về nội dung, hình thức và chủ đề của mỗi dự án mà chúng em tiến hành. Vì vậy, khách hàng sẽ không thấy nhàm chán hay bị lặp lại mà sẽ luôn tìm thấy những điều mới mẻ, thú vị riêng khi tham gia các chương trình hay sự kiện trong tương lai từ Shinesium. Hơn nữa, Shinesium cùng bản thân em vẫn còn non trẻ và vẫn cần cải thiện và phát triển nhiều hơn trong tương lai, việc được hợp tác, học hỏi và nhìn thời trang, sản phẩm của mình qua những lăng kính thuộc nhiều lĩnh vực và thương hiệu khác nhau chắc chắn sẽ giúp chúng em tiếp nhận thêm nhiều giá trị bổ ích về lâu về dài, và việc hợp tác đa phương như vậy cũng giúp Shinesium, cũng như các đơn vị hợp tác tiếp cận được thêm nhiều tệp khách hàng mới, làm phong phú hơn thị trường của nhau.
Em nghĩ pop-up store là một giải pháp tối ưu và hiệu quả trong thời gian này giúp khách hàng được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm ‘thời trang lưu trữ’ vì nhiều nguyên nhân. Trên hết, em luôn nghĩ rằng trải nghiệm trực tiếp là cách hiệu quả nhất để khách hàng có thể thực sự cảm nhận được những giá trị lịch sử mà ‘thời trang lưu trữ’ mang lại. Sẽ thật khó để khiến khách hàng thật sự trầm trồ, trân quý và khao khát sở hữu những nét đẹp của thời gian, những kỹ thuật, thiết kế mang tính cách mạng… từ các nhà thiết kế lừng danh của ‘thời trang lưu trữ’ mà không cho họ cơ hội tận mắt, tận tay trải nghiệm chúng. Pop-up store còn mang đến cho khách hàng và cộng đồng cơ hội được giao lưu và chia sẻ cùng với những người có kiến thức hay chung niềm đam mê. Shinesium luôn cố gắng làm mới khái niệm pop-up, không chỉ là nơi bộc phát để khách hàng đến mua sắm, mà còn là một sân chơi cho cộng đồng yêu thời trang và văn hoá, họ đến và mang về có thể không nhất thiết chỉ là niềm vui với một món đồ ưng ý mới mua được, mà còn là niềm vui khi được trải nghiệm những sản phẩm độc đáo, được nghe những câu chuyện thú vị, tiếp thu kiến thức mới, được chia sẻ những chủ đề họ luôn quan tâm, được kết thêm một người bạn mới cùng yêu thứ mà họ yêu… Đó là những niềm vui mà em được nghe từ chính khách hàng của mình khi mỗi pop-up đi qua, và là đòn bẩy tinh thần lớn giúp em và team triển khai các dự án trong tương lai. Ngoài việc kinh doanh, em cùng Shinesium vẫn luôn muốn đóng góp hết sức mình cho cộng đồng và luôn xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong quá trình phát triển.
* Cám ơn em đã có một chia sẻ rất thú vị! Chúc em và Shinesium nối tiếp những thành công ở chặng đường kế tiếp.