Thị trường Mỹ khai tử mẫu thử mỹ phẩm dùng một lần, xu hướng hay nhất thời?
Trong số tháng này, tôi muốn chia sẻ bài viết của Bella Webb đăng trên báo Vogue về một bước ngoặt quan trọng hướng đến thời trang bền vững trong việc tiếp thị các sản phẩm làm đẹp ở Mỹ và cách
Trong số tháng này tôi muốn chia sẻ bài viết của Bella Webb đăng ngày 14/6/2021 trên báo Vogue về một bước ngoặt quan trọng hướng đến thời trang bền vững trong việc tiếp thị các sản phẩm làm đẹp ở Mỹ, khi cửa hàng phân phối mỹ phẩm, chăm sóc da Credo Beauty và các hãng khác đang tiên phong loại dần những mẫu thử này. Và như thường lệ là bài phỏng vấn xu hướng này tại Việt Nam với Ms. Trang Nguyễn, cựu General Manager ngành hàng chăm sóc da của Tập đoàn Mỹ phẩm Hàn Quốc LG Cosmetics tại Việt Nam và hiện là nhà sáng lập và là CEO Công ty B Happy Cosmetics, với thương hiệu chăm sóc da G.G.G đang được giới trẻ Việt ưa chuộng.
“Chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng chất thải”, bà Mia Davis, Phó Chủ tịch phụ trách mảng bền vững và tạo hiệu ứng của Credo Beauty, cho biết. “Chúng ta đang sản xuất hàng tỉ những bao bì chỉ dùng trong vài giây và rồi thải ra Trái Đất này hàng thế kỷ”.
Điều bà Davis đang đề cập ở đây là mẫu thử và mặt nạ dùng một lần trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Sau hai năm chuẩn bị, cuối cùng Credo đã ngưng hẳn việc sử dụng chúng từ ngày 1/6/2021. Thành quả này của Credo khích lệ các nhãn hàng khác trong ngành xem xét lại cách kinh doanh của họ.
Trên thực tế, đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Ngành mỹ phẩm mỗi năm sản xuất 122 tỉ mẫu thử, trong đó rất ít được tái sử dụng. Năm ngoái chỉ riêng Credo Beauty đã phát ra 660.000 gói và 3.000 pounds (khoảng 1.500 kg) mặt nạ sử dụng một lần.
“Mẫu thử sử dụng một lần là một trong những cách độc hại nhất của chất thải nhựa mà ít ai phát hiện”, Siân Sutherland, đồng sáng lập của nhóm tạo chiến dịch A Plastic Planet, cho biết. Nhóm này đang vận động hành lang các nhà làm chính sách của Vương quốc Anh và Châu Âu mở rộng việc cấm sử dụng chất thải nhựa dùng một lần như mẫu thử. “Ống hút, tăm bông và thanh nhựa để khuấy nước thường được đề cập đến như là thủ phạm của chất thải độc hại, nhưng 855 tỉ gói nhựa không tái sử dụng của mẫu thử được mang ra thị trường mỗi năm thì không bị gọi tên”.
Credo đã xuất bản một bản hướng dẫn đóng gói bền vững (sustainable packaging guidelines) vào tháng 6/2020 để khuyến khích hơn 130 đối tác giảm tối đa những loại sản phẩm có bao bì dùng một lần và không tái chế. Mục tiêu kế tiếp của công ty là đến năm 2023, bao bì phải chứa ít nhất 50% vật liệu tái chế hoặc được thay thế bằng những nguyên liệu bền vững hơn.
Vào ngày Trái Đất năm 2021, Credo đã bắt tay với Mob Beauty, Hudson’s Bay và Element Packaging để tung ra chương trình phi lợi nhuận đầu tiên cho những loại bao bì khó tái chế có kích thước nhỏ hơn hũ yaourt, với tên gọi Pact. Những thùng rác tái chế được đặt ở tất cả 10 cửa hàng của Credo Beauty tại Mỹ và 20 cửa hàng của Hudson’s Bay ở Canada, với kế hoạch mở rộng ra 87 cửa hàng Hudson’s Bay và một chương trình “mail-back” qua Mob Beauty vào cuối năm.
Tạo trải nghiệm không cần dùng mẫu thử một lần
Credo không đơn độc trong nỗ lực này. Beauty Heroes, một nền tảng thương mại điện tử có cửa hàng flagship ở Novato, phía bắc California, cũng đã thực hiện việc loại mẫu thử vào cuối tháng 6/2021. “Mẫu thử là một giải pháp hiệu quả để khách hàng trải nghiệm sản phẩm”, nhà sáng lập và CEO Jeannie Jarnot cho biết. Beauty Heroes đã từng phát ra 60.000 mẫu thử/năm. Trong khi chờ một giải pháp bền vững hơn, công ty đã giới thiệu lọ nhôm để đựng mẫu thử tại cửa hàng. Còn cô Melissa McGinnis, Giám đốc phụ trách việc mua hàng làm đẹp của cửa hàng Selfridges cho biết họ đang ưu tiên cho những bao bì có thể tái sử dụng và tái chế, bao gồm cả những sản phẩm nước hoa. Họ đã ngừng hẳn việc sử dụng khăn lau mặt một lần tại cửa hàng từ năm 2019.
Cửa hàng phân phối các sản phẩm làm đẹp Beautycounter cũng đang trong quá trình chuyển hoá theo hướng bền vững. Họ ra chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 100% bao bì tái sử dụng, tái chế, hoặc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Cửa hàng này cũng đã ngưng sử dụng hơn 1 triệu mẫu thử nhựa trong năm 2019, bao gồm nắp phụ bên trong hộp kem dưỡng và thìa nhựa nhỏ cho sản phẩm dầu tẩy trang. Đồng thời, cửa hàng đã giới thiệu bao bì của chai lăn nách có thể sử dụng lại vào cuối năm nay. Gói mẫu thử hiện là bao bì dùng một lần duy nhất còn sót lại của Beautycounter. “Trải nghiệm dùng thử rất quan trọng trong việc tiếp thị sản phẩm của ngành hàng mỹ phẩm và cũng là một trong những cơ hội lớn nhất của chúng tôi để có thể tạo ra giải pháp thông minh mà không cần dùng mẫu thử một lần”, Phó Chủ tịch cấp cao Lindsay Dahl chia sẻ.
Những thương hiệu khác cũng vào cuộc bao gồm thương hiệu chăm sóc da Therapi, với mục tiêu xoá toàn bộ mẫu thử một lần từ năm 2022, và Bloom Effects, với việc sản xuất mẫu thử được làm từ mùn cưa. “Nhà bán lẻ Big box đã tập thói quen tặng mẫu thử cho người tiêu dùng tại quầy thanh toán”, CEO và nhà sáng lập Kim van Haaster cho biết. “Nhưng đã qua rồi thời các sản phẩm làm đẹp được coi như là phép màu có thể làm da bạn đẹp lên chỉ sau một đêm. Quá trình chăm sóc da phải có thời gian và phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng”.
Điều đáng mừng là người tiêu dùng ngày càng ủng hộ xu hướng bền vững này. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, tỉ lệ người tiêu dùng ở Mỹ thích những mẫu thử mang về giảm từ 32% xuống 27% vào năm ngoái. “Ý tưởng về mẫu thử dùng một lần có vẻ được ưa chuộng trong thời đại dịch, nhưng lo lắng về bền vững đang dần quay lại”, cô Larissa Jensen, Chuyên viên Tư vấn ngành hàng mỹ phẩm cho biết. “Cách an toàn và bền vững nhất là cách thử ảo nhưng hơn nửa người tiêu dùng Mỹ không biết đến giải pháp này và hiện tại nó chỉ được áp dụng cho sản phẩm trang điểm, chứ chưa thực tế cho sản phẩm chăm sóc da hay nước hoa”.
Nhưng không phải thương hiệu nào cũng cảm thấy việc dừng sử dụng mẫu thử là giải pháp tốt. Hãng mỹ phẩm Kosas đã cho ra đời một dịch vụ thử sản phẩm tại nhà để giúp khách hàng có thể tự tin đặt hàng. “Những công cụ ảo như livestream hoặc AI không thể thay thế trải nghiệm thực tế,” CMO Adeline Leong khẳng định. “Khi khách hàng trả đổi sản phẩm, chúng tôi phải mang đi tiêu huỷ. Điều này rất lãng phí. Việc trả đổi đã giảm 25% khi chúng tôi thực hiện chương trình thử trên”.
Nước hoa Abbott, một thương hiệu được bày bán tại Credo cũng đã dừng việc phát mẫu thử và chuyển sang việc tung ra những mẫu thử có giới hạn với kích thước lớn hơn và đang xem xét việc dùng pha lê để thử mùi hương thay cho lọ nhựa nhỏ.
Đầu tư vào những giải pháp thay thế nhựa
Việc dùng mẫu thử một lần là hệ quả của mô hình bán sản phẩm đơn lẻ, khuyến khích người tiêu dùng mua mới sau mỗi lần sử dụng. “Các thương hiệu làm đẹp đã đầu tư rất nhiều tiền vào từng sản phẩm riêng lẻ”, ông Allon Libermann, nhà sáng lập của công ty Thuỵ Điển Forgo nhấn mạnh. “Mỗi khi bạn vứt bao bì sử dụng một lần, thương hiệu sẽ có lợi nhuận vì bạn sẽ cần mua một sản phẩm khác. Lỗi do ngành công nghiệp chưa đưa ra những lựa chọn tối ưu để người tiêu dùng có thể hướng đến lối sống bền vững”.
Forgo hiện đang bán sản phẩm nước rửa tay dạng bột, được đựng trong gói giấy. Người tiêu dùng có thể pha vào bình có sẵn tại nhà. Tuy những gói này dùng một lần nhưng nó rất tiện lợi và hiệu quả. Ông Libermann làm bài so sánh đơn giản “bao bì bằng giấy có thể tái chế khoảng 70% tại Châu Âu và phân huỷ sau vài ngày hoặc vài tháng; so với bao bì bằng nhựa chỉ có ít hơn 10% được tái chế và mất hàng thế kỷ để phân huỷ”.
Tuy nhiên, giấy cũng không phải là giải pháp tối ưu nếu tất cả đều chuyển sang nguyên liệu này. Tổ chức môi trường Canopy đang làm việc với 232 thương hiệu đối tác, bao gồm cả Benefit và Sephora của tập đoàn LVMH, trong dự án Pack4Good, một sáng kiến để bảo vệ rừng bằng cách giảm bao bì làm bằng giấy và đầu tư vào giải pháp thế hệ mới như ống hút bằng lúa mì từ chất thừa trong nông nghiệp. “Những phân tích về vòng đời chỉ ra rằng việc sản xuất và sử dụng những chế phẩm trên sẽ làm giảm 75%”, Tamara Stark, Giám đốc chiến dịch Canopy chia sẻ.
Cải tiến sản phẩm để giảm thiểu bao bì
Điều đáng mừng là những giải pháp bền vững đang tiếp tục được tìm kiếm. Các chuyên gia ngành hàng dưỡng da cao cấp 111Skin đã cải tiến mặt nạ ưa chuộng thành loại tái chế và có thể phân huỷ, trong khi vẫn tìm cách tương tự cho những gói sản phẩm nhỏ. Nhà sáng lập và cũng là CEO Eva Alexandridis thú nhận những sản phẩm sử dụng một lần ở trong phòng khách sạn là cách để “chiêu dụ” khách hàng đến thử các gói spa khi họ lưu trú ở đó. Tuy nhiên thương hiệu sẽ ra mắt loại tuýp với khoảng 18-22 lần sử dụng vào cuối tháng 6/2021. “Có thể trong vài năm tới chúng tôi sẽ không dùng những loại bao bì dùng một lần nữa. Nhưng hiện tại chúng tôi vẫn cần làm hài lòng cả hai nhóm khách hàng”, cô cho biết thêm. Ngoài sản phẩm mặt nạ kể trên, 85-90% sản phẩm của 111Skin đều được tái chế.
Thương hiệu bán trực tiếp cho người tiêu dùng Lush có giải pháp khác khi giảm thiểu bao bì bằng cách cải tiến sản phẩm và huấn luyện nhân viên truyền đạt thông tin đáng lẽ được viết trên bao bì đến khách hàng. “Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào bao bì để đưa thông tin sản phẩm hay cạnh tranh với sản phẩm khác trên kệ trưng bày”, cô Ruth Andrade, phụ trách bộ phận phát triển bền vững cho biết.
Bao bì sản phẩm chiếm 37% tổng số bao bì của Lush, theo sau là 34% chuỗi cung ứng và phân phối. Để cắt giảm triệt để hoặc giảm thiểu bao bì, Lush đã cải tiến sản phẩm từ dầu gội đến kem che khuyết điểm. Thương hiệu cũng tìm cách chế tạo sản phẩm sử dụng lại bao bì nhưng vẫn gặp khó khăn trong vấn đề hướng dẫn người tiêu dùng rửa sạch và lau khô hũ đựng sản phẩm để có thể sử dụng lại một cách hiệu quả.
Neal’s Yard Remedies cũng đã gia nhập the UK Plastics Pact vào năm 2018, cố gắng loại bỏ hoàn toàn nhựa sử dụng một lần vào năm 2025. Công ty đã có nhiều thay đổi để đạt được mục tiêu này, như cải tiến sản phẩm xà phòng để không bị chảy nước trong hộp giấy (cách dùng gói nhựa trước đây sẽ không gặp vấn đề này) và loại bỏ carbon từ nắp đậy trong hũ thuỷ tinh.
Những thay đổi lớn hơn là cần thiết
Sự ủng hộ của người tiêu dùng là chưa đủ. Cô Sutherland của tổ chức A Plastic Planet đang vận động hành lang những luật lệ chặt chẽ hơn về vấn đề này. “Nếu chính phủ và các nhãn hiệu đồng lòng, chúng ta có thể tin tưởng vào con số 7% giảm thiểu nhựa vào năm 2040”, cô chia sẻ thêm.
Hạn chế của hạ tầng cơ sở tái chế cũng là một trở ngại. Mỗi năm người tiêu dùng sản phẩm Lush ở Anh gửi trả lại 500.000 nắp chai để tái chế, chiếm khoảng 12% số nắp sản xuất. Trong khi ở Nhật, con số này chiếm khoảng 30%.
Các công ty mỹ phẩm “sạch” vẫn tiếp tục định hướng của mình và kêu gọi nhiều đối tác khác tham gia. “Chúng tôi rất tự hào là người tiên phong khởi xướng những ý tưởng bền vững này. Nhưng chúng tôi cũng chỉ là những nhà bán lẻ nhỏ nên cần sự chung tay của cả ngành công nghiệp làm đẹp”, bà Davis đại diện cho Credo nhấn mạnh. “Chúng tôi có thể liên tục tìm kiếm những giải pháp thông minh hơn trong quá trình thiết kế và sản xuất, nhưng nếu các thương hiệu không thể tìm được nhà cung ứng hướng đến tiêu chí bền vững, chúng ta sẽ không thể có một hạn định khả thi cho việc này. Một quá trình tiến hoá tổng thể là rất cần thiết”.
Sau đây là phần chia sẻ của Ms. Trang Nguyễn, Nhà sáng lập và là CEO Công ty B Happy Cosmetics, về cách doanh nghiệp hoà nhập xu hướng này.
* Chào Trang, rất vui vì em nhận lời trao đổi với chuyên mục Thời trang bền vững của Brands Vietnam khi đang rất bận rộn với “đứa con” B Happy của mình. Là người đã từng gắn bó gần 20 năm trong ngành hàng chăm sóc da, mỹ phẩm tại Việt Nam, em thấy xu hướng bền vững trong ngành hàng này tại Việt Nam như thế nào, đặc biệt là mẫu sản phẩm dùng một lần (single-product sampling)?
Cám ơn chị và Brands Vietnam đã tạo cơ hội để em có thể chia sẻ với độc giả. Thực sự thì việc gửi mẫu sản phẩm (sampling) là phương pháp vô cùng hiệu quả để khách hàng dùng thử và đi đến quyết định mua hàng, đặc biệt đối với ngành hàng chăm sóc da và mỹ phẩm. Ví dụ thành công của Kiehl's cũng đến từ những gói thử nhỏ mời khách hàng sử dụng. Thời gian còn làm ở LG Cosmetics, khi tung sản phẩm Essance BB Cream, em cũng rải mẫu thử khắp nơi – từ đính kèm lên tạp chí, phát mẫu tại siêu thị, cổng trường đại học… vì khách hàng có dùng thử, cảm nhận và thích sản phẩm thì mới quyết định mua hàng.
Thực ra mẫu thử không những là công cụ hiệu quả trong việc giới thiệu sản phẩm mới, mà còn là nhu cầu của khách hàng nữa. Ví dụ, khách hàng không muốn đầu tư nhiều tiền cho một sản phẩm khi chưa biết công dụng ra sao thì việc mua hoặc lấy mẫu nhỏ về sử dụng là bài toán an toàn. Mẫu nhỏ này cũng tiện dụng khi đi du lịch. Thị trường Trung Quốc cũng là minh chứng, mẫu thử nhỏ đã biến thành một mảng kinh doanh, mẫu sản phẩm bán cho người tiêu dùng. Còn ở Việt Nam, nếu gõ từ khoá “mẫu thử, gói dùng thử” trên google, chị sẽ thấy vô số trang cung cấp mẫu.
Tuy nhiên, mặt trái của nó là vấn đề rác thải khi lượng lớn vỏ bao bì thải ra môi trường. Gần đây vấn đề môi trường được nói đến nhiều hơn trên quy mô toàn cầu. Người tiêu dùng trên thế giới, nhất là các nước phát triển, đã và đang ủng hộ phong trào bền vững trong thời trang và mỹ phẩm. Tại Việt Nam, em nhận thấy người tiêu dùng cũng bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, nhưng chưa đủ lớn đến mức phản đối mẫu thử dùng một lần. Thực ra, em nghĩ giải pháp cần xuất phát từ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp và các thương hiệu, dần dần thay đổi hành vi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự hưởng ứng và ý thức của người tiêu dùng nữa ạ.
* Là một startup, Trang có toàn quyền quyết định mẫu mã, bao bì sản phẩm và cách khách hàng thử sản phẩm. Trang có cân nhắc yếu tố bền vững này không khi giới thiệu thương hiệu đầu tiên G.G.G?
Theo em khái niệm bền vững rất rộng và cần thời gian cũng như đầu tư lâu dài. Em chỉ nghĩ mình nên làm từng bước nhỏ, theo sức của mình (cười). Nhưng chắc chắn đây là hướng đi lâu dài vì việc phát triển bền vững có lợi cho tất cả mọi người.
Khi tung thương hiệu G.G.G (Glow. Glitter. Glare) với định vị là phân khúc trung cao cấp (affordable luxury), có mức giá trên dưới 500.000 đồng (tương đối cao so với chi tiêu trung bình của ngành hàng), em biết là khách hàng sẽ e ngại ở bước mua sản phẩm nếu chưa dùng thử. Nên giải pháp của em cho việc gửi mẫu tới khách hàng là sản phẩm mini trong chai thuỷ tinh thay vì dùng sachet (gói nhỏ, trọng lượng khoảng 1-2ml). Với ba sản phẩm serum chủ lực, em sản xuất song song loại chai 30ml và loại chai 10ml (thường được gọi là miniature). Loại chai 10ml này có thể sử dụng trong một tháng, đủ để khách hàng cảm nhận hiệu quả sản phẩm và tiếp tục mua sản phẩm có dung tích lớn hơn. Chai 10ml trong suốt, nhỏ xinh, vừa thể hiện được hình ảnh của thương hiệu, vừa giúp khách hàng cảm nhận hiệu quả sản phẩm. Chai này phục vụ hai mục đích, có thể vừa bán, vừa sampling thông qua việc phát mẫu đại trà hoặc quà tặng mini games.
Lý do em không làm sachet vì số lượng đặt hàng tối thiểu (MOQ) quá lớn, đến một triệu gói. Nghĩa là mình phải đặt sản xuất một triệu gói nylon, trong khi nhu cầu sử dụng cho sachet khoảng vài trăm nghìn gói. Như vậy lượng dư phải bỏ đi rất nhiều, vừa tốn chi phí vừa gây lãng phí bao bì, và tất nhiên là ảnh hưởng đến môi trường. Điều quan trọng nữa là với sản phẩm và thương hiệu mới như G.G.G thì một hoặc hai gói sachet sẽ chưa đủ “đô” để khách hàng quyết định mua hàng hay không.
Vậy theo em yếu tố bền vững không chỉ nằm ở việc bảo vệ môi trường mà còn là bền vững về kinh doanh nữa. Nên giải pháp chai thuỷ tinh là giải pháp “một mũi tên trúng hai đích”.
* Trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn đang diễn tiến khó lường, Trang có những giải pháp gì để giúp khách hàng thử sản phẩm mà không cần đến cửa hàng?
Như mọi thương hiệu mỹ phẩm khác, G.G.G cũng có sản phẩm test tại các cửa hàng Watsons, Hasaki… với sự giới thiệu và tư vấn cho khách hàng của nhân viên nhãn hàng.
Nhưng từ năm ngoái, cách thức tiếp cận khách hàng đã thay đổi trong bối cảnh việc trao đổi trực tiếp với khách hàng bị hạn chế. Như chị biết thì mỹ phẩm được chia thành hai nhóm lớn: trang điểm và chăm sóc da. Với nhóm trang điểm, do đặc tính là cảm nhận bề ngoài nên các ứng dụng trang điểm ảo (virtual make up app) được phát triển rất đa dạng. Người dùng có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi hoặc sự phù hợp với gương mặt mình khi thử các sản phẩm khác nhau, từ phấn trang điểm đến màu son, màu mắt, màu mascara… và việc quyết định mua cũng khá dễ dàng. Tuy nhiên, nhóm dưỡng da gặp khó khăn hơn vì cho dù ứng dụng có chứng minh sự cải thiện trên da thì bản chất của dưỡng da là cảm nhận khi thoa trực tiếp, cảm nhận sản phẩm thẩm thấu như thế nào, để lại cảm giác trên da ra sao, mùi hương như thế nào… Nên sự hạn chế trong việc tư vấn trực tiếp với khách hàng và cả việc sử dụng virtual app đã trở thành một thử thách.
Trong cái khó ló cái hay (cười). Các bạn trẻ trong team em đã thử nhiều giải pháp với mục tiêu vừa giúp tăng sự tương tác giữa người tiêu dùng và thương hiệu, vừa tạo cơ hội sử dụng thử sản phẩm cho khách hàng. Ngoài việc hợp tác với Influencer để truyền tải thông tin đến khách hàng, bên em còn tạo nhiều cơ hội sử dụng thử sản phẩm khi tham gia tương tác online với thương hiệu. Thực ra, trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, không chỉ mỗi việc thử sản phẩm, mà toàn bộ hoạt động bán hàng, tương tác với khách hàng hầu hết đều chuyển qua online. Nên em và các bạn cũng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm thôi.
* Trang có thể chia sẻ những “bước đi nhỏ” khác của B Happy trong hành trình bền vững này không?
Như em chia sẻ lúc đầu thì phát triển bền vững là một khái niệm vô cùng rộng, không chỉ nằm ở viêc sử dụng bao bì tái chế hay tránh việc sử dụng sản phẩm dùng một lần mà nó bao gồm cả quy trình sản xuất (giảm khí thải, giảm tình trạng tiêu thụ nước…), quy trình thu hoạch nguyên liệu… Một ví dụ về “bền vững” khi em còn làm việc ở LG Cosmetics là hỗ trợ bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm tìm một loại lan quý ở miền Bắc, đòi hỏi quy trình chăm sóc tương tự với tự nhiên và cam kết không khai thác từ môi trường tự nhiên thì nhà cung cấp ở Việt Nam không cam kết được.
Với một startup như B Happy thì chưa thể có được quy trình, quy định cụ thể hay ngân sách lớn, nên em vẫn tiếp tục phương châm “từng bước nhỏ, tuỳ theo sức của mình” để từng bước một, trong khả năng, bước gần hơn đến việc phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường cho mai sau.
Em chia sẻ với chị một ví dụ về bao bì sản phẩm sữa rửa mặt Pore Detox Bubble Cleanse. Khi làm việc với nhà sản xuất cũ của LG Cosmetics, công thức này đòi hỏi giảm tối đa sự tiếp xúc với không khí. Trên nguyên tắc chỉ có hai loại bao bì đáp ứng được là loại bao bì chân không (airless pump) và gói sử dụng một lần (sachet), mỗi gói là 1 gram. Loại bao bì chân không giúp sản phẩm có diện mạo sang trọng, nhưng giá lại rất đắt, dẫn đến việc nâng giá thành sản phẩm lên cao. Loại sachet có vẻ hợp lý hơn vì giá rẻ, có thể linh động làm khuyến mãi hoặc đóng hộp loại 10 hoặc 15 hoặc 20 gói/hộp để bán linh động. Nhưng khi nhẩm tính, em thấy để sử dụng đủ trong hai tháng thì ít nhất phải cần 60 gram, chỉ cần bán khoảng 15.000 sản phẩm sẽ có 750.000 gói sachet 1 gram thải ra môi trường. Như vậy em cảm thấy áy náy vô cùng.
Sau khi bàn bạc với nhà sản xuất, em chọn dạng tuýp nhưng tuýp thông thường lại không đảm bảo được việc giữ kín sản phẩm, tránh tiếp xúc với không khí. Cuối cùng, họ đề xuất loại tuýp bằng nhôm, khi nắn sản phẩm ra thì hơi khó và bị móp méo, không đẹp nữa. Nhưng ở một mặt nào đó, em không cảm thấy áy náy như sachet. Mặc dù, cũng không hiếm khách hàng phàn nàn là lúc sử dụng gần hết thì bóp tuýp đau tay quá (cười lớn).
Về chuyện “bền vững”, em nghĩ nó nằm ở ý thức của doanh nghiệp. Cứ chú tâm một chút mình sẽ tiến xa. Cũng có nhiều thứ em chưa có giải pháp và cũng trăn trở lắm. Như việc mỗi lần nhìn các bạn đóng gói hàng gửi cho khách, bán được nhiều thì cũng rất vui nhưng cũng không ít lần thở dài với team vì mình đang xả nhiều bóng xốp nylon gói hàng ra môi trường quá. Hy vọng sẽ có nhiều đối tác cùng chung sức nghĩ ra giải pháp thì việc này sẽ dễ dàng hơn phải không chị?
* Với việc ngày càng nhiều các thương hiệu thời trang như H&M Việt Nam bắt đầu tính phí khi khách hàng sử dụng túi giấy, hoặc các thương hiệu chăm sóc da như The Body Shop Việt Nam khuyến khích khách hàng bỏ sản phẩm vừa mua vào túi xách cá nhân, Trang có lạc quan về thói quen mua sắm bền vững của khách hàng Việt trong ngành hàng chăm sóc da trong tương lai không?
Dạ, có chứ ạ. Việc khuyến khích khách hàng dùng túi xách cá nhân hoặc phải trả tiền nếu lấy túi, cả ở siêu thị, cửa hàng thời trang và cửa hàng mỹ phẩm… thì mình đã thấy nhiều ở các nước phát triển. Người tiêu dùng ở đó cũng đòi hỏi nhiều hơn ở nhà sản xuất về nguồn gốc xanh, sạch của sản phẩm.
Ở Việt Nam em thấy xu hướng này đã bắt đầu được vài năm, từ việc tránh sử dụng túi, ống hút nhựa đến việc mua sản phẩm và refill station hay Starbucks. Người tiêu dùng Việt Nam dần dần cũng đã quan tâm nhiều hơn đến môi trường và em tin rằng, lớp tiêu dùng trẻ năng động, có nhiều mối quan tâm đến xã hội, đến bền vững sẽ là những tác nhân khiến cho nhà sản xuất chú tâm hơn đến phát triển bền vững trong quy trình của mình và họ cũng sẵn sàng tham gia vào các hoạt động kêu gọi phát triển bền vững của nhà sản xuất.
* Cám ơn Trang đã có buổi chia sẻ thú vị. Mong B Happy của em ngày càng thành công với những bước nhỏ trên con đường phát triển bền vững này.