Thương mại điện tử liệu có đứng vững khi các thương hiệu dần chuyển hướng sang cửa hàng ảo?
Xu hướng Web3 (blockchain, AI, metaverse) đến và đi trong năm qua. Nhưng liệu làn sóng bán lẻ từ các cửa hàng ảo sẽ vượt kỳ vọng và dần thay thế thương mại điện tử?
Trong số này tôi lược dịch bài đăng trên Jing Daily ngày 22/8/2023 về xu hướng này. Và như thường lệ là một số gợi ý cho thị trường Việt Nam.
Các thương hiệu hàng đầu như Lacoste, Laneige, L’Occitane, và Lululemon đã vào cuộc khi đầu tư mạnh tay vào các cửa hàng ảo ba chiều để tương tác với khách hàng trong thế giới metaverse. Những hoạt động tại cửa hàng ảo này không nhằm mục đích tái lập những hoạt động tại cửa hàng truyền thống. Thay vào đó cửa hàng ảo là một khái niệm hoàn toàn mới nhằm mục đích tạo dựng câu chuyện thương hiệu, trải nghiệm, thử nghiệm và xây dựng cộng đồng.
Ban đầu cửa hàng ảo chỉ mang tính chất thử nghiệm trong một chiến dịch marketing ngắn hạn. Nhưng nay các thương hiệu đã có sự đầu tư bài bản, lâu dài như những cửa hàng ảo chiến lược (flagship virtual store).
Theo một dự đoán của công ty Acxiom trong năm 2023, mua sắm trong cửa hàng ảo là một trong những xu hướng chính trong năm 2023. 80% các nhà bán lẻ tham gia khảo sát này dự đoán rằng hầu hết các sàn thương mại điện tử sẽ cho ra mắt những trải nghiệm thực tế ảo của riêng mình trong vòng 5 năm tới. 76% người tiêu dùng đã trải nghiệm cửa hàng ảo muốn các thương hiệu ưa thích tham gia vào xu hướng này.
Quá trình tiến hóa của thương mại điện tử
Cùng với việc cải tiến công nghệ, việc mua sắm online cũng trải qua quá trình tiến hóa cùng với cửa hàng ảo. Sự phối hợp của thú vui mua sắm tại các cửa hàng truyền thống và tính hữu dụng của việc giám sát dữ liệu trên nền tảng thương mại điện tử là một sự lựa chọn hoàn hảo cho thương hiệu trong việc mở rộng kênh bán hàng của mình.
Thực ra khái niệm này không mới. Đại dịch Covid đã khiến các thương hiệu không còn lựa chọn khi buộc phải kinh doanh trên các nền tảng online vào năm 2020. Hãng mỹ phẩm khổng lồ của Anh Charlotte Tilbury và hãng thời trang Mỹ American Eagle là một trong những thương hiệu bắt tay vào cuộc sớm nhất. Charlotte Tilbury cho ra mắt một quầy bán online vào năm 2021 với nhiều hoạt động, trong khi American Eagle thì tận dụng công nghệ thực tế ảo của Snap trong hoạt động kinh doanh mùa lễ hội cuối năm. Theo số liệu của Marketing Dive, bình quân mỗi hoạt động mua sắm online của American Eagle có doanh thu khoảng hai triệu đô la Mỹ. Ngay cả khi các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường vào năm 2023, những trải nghiệm này vẫn có chỗ đứng trong bối cảnh kinh doanh online. Khi các kênh bán lẻ toàn cầu được kỳ vọng đạt gần 18 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 (theo nghiên cứu Grand View), thì mô hình cửa hàng ảo là một cánh cửa mở mà các thương hiệu không thể bỏ qua.
Thế mạnh của dữ liệu
Thương mại điện tử dựa vào metaverse (metacommerce) như một công cụ hữu hiệu để thu thập dữ liệu quí giá cho tính hiệu quả của thương hiệu. Dữ liệu từ những trải nghiệm này có thể chỉ ra những sản phẩm bán chạy, yếu tố nhân khẩu học của khách hàng thường xuyên, thời gian mua sắm của khách hàng và những đặc điểm riêng biệt của từng khách hàng. Thương hiệu có thể dùng những số liệu này để đưa ra những gợi ý mua sắm cho từng cá nhân và những sản phẩm tiếp theo họ có thể cần đến. Theo một chuyên gia về phát triển cửa hàng ảo, mỗi trải nghiệm đều được giám sát, từ việc bấm xem sản phẩm đến việc chơi game hay trả lời câu đố và bỏ vào giỏ hàng mua sắm. Nền tảng này sẽ có những phân tích về hành vi tiêu dùng, cho phép thương hiệu tối đa hóa cửa hàng ảo như là một công cụ marketing.
Con đường dẫn đến cá nhân hóa
Đứng trên góc độ người tiêu dùng, sự thu hút của cửa hàng ảo không chỉ nằm ở dữ liệu. Trước khi có cuộc cách mạng metaverse, thương mại điện tử chỉ đơn thuần là phiên chợ online. Nhưng công nghệ mới đã làm thay đổi cách người tiêu dùng tương tác với phiên chợ ảo này. Người tiêu dùng có thể thiết kế và trưng diện những bộ trang phục cho avatar của mình, tham gia vào những hoạt động game, giao lưu với những người cùng sở thích trên nền tảng và được giới thiệu những sản phẩm đúng ý. Chuyên gia cửa hàng ảo cho biết cá nhân hóa là cốt lõi của cửa hàng ảo. Thương mại điện tử truyền thống đã sử dụng công nghệ 2D trong hơn 25 năm cho tất cả các sản phẩm. Nhưng giờ đây, trong cửa hàng ảo, thương hiệu có thể tạo phòng riêng cho từng khách hàng, kèm gợi ý sản phẩm cụ thể cho thói quen hàng ngày của họ. Kết quả hơn cả mong đợi. Cửa hàng ảo có khả năng giữ chân khách hàng hơn 109% thời gian trung bình, tăng 75% khả năng bán hàng và tăng 10 lần giá trị hàng đặt so với các nền tảng thương mại điện tử truyền thống.
Sự hợp lực giữa nhà bán lẻ và công nghệ
Cửa hàng ảo không phải là một trào lưu nhất thời. Nó đã chứng minh được cho thương hiệu thấy cách có thể xây dựng thế giới có ý nghĩa và tồn tại dài lâu. Và đương nhiên đằng sau những thay đổi có tầm nhìn này đòi hỏi sự hợp lực của các đối tác công nghệ như Obsess hoặc Emperia để biến tầm nhìn thành hiện thực. Nền tảng Emperia bao gồm cả việc xây dựng ban đầu cũng như bảo trì cửa hàng ảo. Trong khi cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, nhà bán lẻ cũng có thể toàn quyền quản lý cửa hàng ảo của họ, cũng như khả năng tối đa hóa những trải nghiệm trong cửa hàng. Trong khi đó, nền tảng Obsess cho ra mắt hệ thống quản lý nội dung ‘Ava’ đầu năm nay, cho phép nhà bán lẻ có thể tung ra những ý tưởng mới trong thế giới ảo mà không cần phải có kiến thức mở rộng mã hóa. Phần mềm dựa trên nền tảng đăng ký cho phép thương hiệu có thể tích hợp các chức năng như sản phẩm mới, ứng dụng game và avatar để tạo hiệu ứng trải nghiệm nhất thời.
Là cách làm mới marketing
Cửa hàng ảo có thể trở thành một công cụ marketing hữu hiệu khi việc tung sản phẩm mới dễ dàng lọt vào tầm ngắm của người tiêu dùng. Ví dụ trong tháng 8 này, thương hiệu đồ tập yoga Lululemon ra mắt sản phẩm mới sneaker ‘Chargefeel 2’. Trong khi trải nghiệm tại cửa hàng ảo là một phần trong chiến dịch lớn, trải nghiệm này phản ánh giá trị thương hiệu một cách chân thực nhất bằng cách lồng ghép câu chuyện của thương hiệu một cách sống động. Đây là bước khởi đầu để lôi kéo người tiêu dùng vào những trải nghiệm Web3 một cách tự nhiên nhất.
Cơ hội tại thị trường Việt Nam
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Statista năm 2021, 42% người tiêu dùng Việt từ 16 tuổi trở lên cho rằng họ chuyển hẳn sang mua sắm online; 50% cho rằng họ mua sắm ở cả hai kênh online và cửa hàng truyền thống sau đại dịch Covid. Với dự đoán tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế internet năm 2025 tại Việt nam là 57 tỉ đô la Mỹ, đây là một thị trường rất tiềm năng cho việc mua sắm trên cửa hàng ảo. Cũng theo khảo sát trên, ba lý do chính người tiêu dùng chuộng hình thức mua sắm online bao gồm: uy tín của website hoặc nền tảng (74%), giao hàng tận nơi (57%) và khuyến mãi (56%). Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra ba lý do chính khiến người tiêu dùng vẫn đắn đo khi mua sắm online là chất lượng không như quảng cáo (68%), lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin (52%) và phí giao hàng cao (41%).
Như vậy, cửa hàng ảo của các thương hiệu sẽ giúp loại bỏ được cản trở lớn nhất khi mua sắm online là đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Đồng thời việc mua sắm tại cửa hàng ảo giúp khách hàng có những trải nghiệm mới lạ với thương hiệu, cũng như hiểu thêm về thương hiệu thay vì chỉ so sánh về giá.
Hãy theo dõi blog của tôi hoặc email cho tôi để trao đổi thêm: [email protected]
Nguồn: Jingdaily